SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
1
4
8
3
8
7
8
Tin tức sự kiện 07 Tháng Tám 2023 7:40:00 SA

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2023) và 18 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2023)


 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng lỗi lạc, người thầy kính yêu của Đảng và dân tộc ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, luôn chăm lo xây dựng, giáo dục và rèn luyện Công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt.

 

Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có lực lượng Công an nhân dân tư tưởng và những lời dạy quý báu. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, góp phần quan trọng làm nên những chiến công to lớn, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

 

Ngay từ khi chính quyền cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của Công an nhân dân: “Công an nhân dân hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân” (1); Người nhấn mạnh: “Mỗi người công an phải là một chiến sĩ... Tôi mong rằng toàn thể Công an sẽ cố gắng thi đua để lập công trong cuộc thắng lợi chung”(2).

 

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, về yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của công an rất lớn, rất nặng nề”(3); “nhiệm vụ công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa... Đó là nhiệm vụ nặng nề, gian khổ đồng thời cũng rất vẻ vang”(4).

 

Trong Bài nói tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1 năm 1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”(5).

 

Về phương pháp, biện pháp công tác, mục tiêu bảo vệ và đối tượng đấu tranh của Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Công an phải:

 

1. Nhận rõ nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân.

 

2. Để làm tròn nhiệm vụ thì phải luôn luôn đoàn kết nội bộ, nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, khinh địch, tự mãn.

 

3. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

 

4. Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”(6). Đồng thời, Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ công an: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”(7); “Bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác, ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng” (8).

 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác công an phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm quần chúng của Đảng theo phương châm “lấy dân làm gốc”. Dù kẻ địch có âm mưu thâm độc đến đâu, nhưng nếu chúng ta giữ được lòng dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thì địch “ba đầu, sáu tay” cũng bị thất bại.

 

Trong Bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương trung cấp khóa II, Bác Hồ chỉ rõ: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(9).

 

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Để các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đặc biệt phải làm để dân tin, dân phục, dân yêu, phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, cán bộ dân vận tốt nhất.

 

Trong Bài nói tại Hội nghị Cán bộ Công an, ngày 29 tháng 4 năm 1963, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó thì công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân... Làm tốt những việc đó, thì chúng ta nhất định thắng được địch. Đảng và Chính phủ tin vào lòng tuyệt đối trung thành và ý chí kiên cường phấn đấu của các đồng chí. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ công an phải cố gắng vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ”(10).

 

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, đồng thời với sự giúp đỡ của nhân dân, thì sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với các cấp, các ngành, nhất là với Quân đội nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng có ý nghĩa quyết định.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Phải đi đúng đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành thì công việc mới thắng lợi”(11); “Các cấp ủy đảng phải thật sự giúp đỡ và lãnh đạo chặt chẽ công an”(12).

 

Bảo vệ bí mật Nhà nước là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân. Trong bài “Phải giữ bí mật của Nhà nước” đăng trên Báo Nhân dân, số 700, ngày 1 tháng 2 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể”(13).

 

Người nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước: “Vấn đề này, nhắc đi nhắc lại đã nhiều lần. Nhưng tiếc thay, chứng bệnh không biết giữ bí mật vẫn rất phổ thông, rất trầm trọng. Nhiều cán bộ, nhân viên, binh sĩ, nhân dân còn mắc bệnh ấy. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại. Nếu địch biết tin tức của ta, nó sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của ta, thì địch sẽ thắng. Nếu ta thấy rõ tin tức của địch, ta sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của nó, thì ta sẽ thắng”(14).

 

Người chỉ rõ: “Tất cả các cơ quan, bộ đội, tất cả các đoàn thể phải phụ trách thiết thực huấn luyện cho binh sĩ, cán bộ và nhân dân điều lợi, điều hại và cách giữ bí mật. Mỗi người phải coi việc giữ bí mật là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với Chính phủ”(15).

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo xây dựng, rèn luyện lực lượng Công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vì nhân dân phục vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Giữa bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, quyết liệt, trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”, ngày 11/3/1948, Người chỉ rõ những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có, đó là:

 

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

 

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

 

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

 

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

 

Đối với công việc, phải tận tụy.

 

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

 

Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao: Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có ý chí cách mạng tiến công, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

 

Trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Người dành điều đầu tiên để căn dặn cán bộ, chiến sĩ công an: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, đây là phẩm chất đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải có, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thì mới có cơ sở để phấn đấu thực hiện những điều Bác Hồ dạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thực hiện lời dạy của Bác chính là nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao sức mạnh chính trị, tư tưởng, năng lực thực thi nhiệm vụ trong mỗi con người nói chung, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng, tích cực học tập, rèn luyện để trở thành người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.

 

Trong Bài nói tại lớp nghiên cứu khóa I và lớp bổ túc khóa VI Trường Công an Trung ương, ngày 25 tháng 12 năm 1958, Người nhấn mạnh: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó hơn. Vì vậy, phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được”(16).

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân là một chỉnh thể thống nhất, sâu sắc và toàn diện về yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh, phương châm hành động, biện pháp công tác, mục tiêu phấn đấu, cống hiến, tu dưỡng, rèn luyện, chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ công an, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

 

Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục trong Công an nhân dân suốt 70 năm qua, luôn là nội dung trọng tâm công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng Công an nhân dân trong các giai đoạn cách mạng trước đây, cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày nay.

 

Thực tiễn công tác công an đã chỉ ra rằng, ở đâu, khi nào, cán bộ, chiến sĩ công an quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc những lời dạy của Bác Hồ, thì ở đó, khi đó, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân được giữ vững, công an được nhân dân tin yêu, cấp ủy, chính quyền tin cậy, các cấp, các ngành đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ.

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, can thiệp lật đổ ở nước ta với quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng quyết liệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, thâm độc, tinh vi, xảo quyệt. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn, gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đối với lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

 

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, ra sức học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ, hơn lúc nào hết, lực lượng Công an nhân dân nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang; nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chấp hành nghiêm kỷ luật, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, với các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và dựa vào nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng đối ngoại của đất nước để mãi mãi xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

 

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 365.

 

2. Sđd, tr. 10.

 

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.31.

 

4. Sđd, tr.447.

 

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.118.

 

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 119.

 

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.365.

 

8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.447.

 

9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.366.

 

10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 55.

 

11. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 280.

 

12. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 55.

 

13. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 121.

 

14. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 57.

 

15. Sđd, tr. 58, 59.

 

16. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 280.

Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

 

Theo cand.com.vn  


Số lượt người xem: 384    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm