Đầu thế kỷ 20, nhân dân lao động Nga đã làm một cuộc cách mạng “rung chuyển thế giới”, đó là cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917. Lần đầu tiên, ước mơ ngàn đời của nhân loại về xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, không có người bóc lột người đã trở thành hiện thực.
Cũng vào thời kỳ này ở Việt Nam, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang bế tắc về đường lối. Trong bối cảnh đó, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười là “đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền”.(1)
Đó chính là lý do Người đón nhận, đi theo chủ nghĩa Lênin, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười với quyết tâm và hoài bão đấu tranh để giải phóng dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức khác trên thế giới. “Tiếng sấm cách mạng ấy thúc đẩy những người Việt Nam yêu nước hướng về phía Liên Xô, hấp thụ lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin… Ngọn đuốc lý luận Mác – Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam”.(2)
Và rồi, chính sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc đã gắn bó Cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, với nước Nga và đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Có thể nói, từ những ngày đầu tiên cho đến những ngày cuối cùng của hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, về Lênin đã chiếm một vị trí nổi bật trong toàn bộ tác phẩm, bài viết của Người.
Ngày 21-1-1924, Lênin từ trần. Với niềm tiếc thương vô hạn và lòng kính yêu sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, đăng trên Báo Sự thật (Liên Xô). Trên Báo Người cùng khổ (1924), Người đã viết: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa, nếu tôi có thể nói như vậy. Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là sự coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao đến các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”.(3)
Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết về Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin. Người coi đó là một nội dung quan trọng, là bài học cơ bản trong việc đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức tiến tới thành lập Đảng. Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần 4 trong chương XII viết về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề “Cách mạng Tháng Mười Nga với các dân tộc thuộc địa”.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Hồ Chủ tịch đã dành một phần riêng về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề “Lịch sử cách mạng Nga”. Sau khi phân tích các cuộc cách mạng tư sản Pháp, Mỹ, Người nhấn mạnh: Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, vì nó đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động và còn giúp đỡ cho các dân tộc bị áp bức làm cách mạng để tự giải phóng. Và, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.(4)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin” (Báo Nhân Dân, 24-1-1952), “Lênin dạy” (Báo Nhân Dân, 21-1-1954). Người đã nhắc lại những lời dạy quý báu của Lênin nhằm động viên nhân dân ta khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Năm 1960, Hồ Chí Minh đã viết bài báo nổi tiếng “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác - Lênin” (Báo Nhân Dân, ngày 22-4-1962), tiếp đó “Chủ nghĩa Lênin vĩ đại muôn năm” (Báo Sự thật, Liên Xô), với những bài viết đó, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa vĩ đại, những bài học cơ bản của Cách mạng Tháng Mười, sức mạnh vô địch của Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta cũng như đối với nhân dân các nước trên thế giới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.(5)
Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào hoàn cảnh thực tiễn của nước ta, vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên. Từ cơ sở phân tích những luận điểm quan trọng của Lênin cũng như những bài học cơ bản của Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận có tính chất nguyên tắc vô cùng quan trọng: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.(6)
“Trong thời đại ngày nay… cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.(7)
Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930) và các Cương lĩnh sau này của Đảng ta.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn đã đưa:“Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới”.(8)
Thắng lợi ấy đã minh chứng cho một quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.(9)
(1)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 2000, t.1, tr236.
(2)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.314.
(3)Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.1, tr.295.
(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.2, tr.268.
(5)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.128.
(6)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.30.
(7)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.305
(8)Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011).
(9)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.397.
Báo điện tử đảng cộng sản Việt Nam