Ngôi nhà số 44/18, đường Tân Hưng, Phường 12, Quận 5, Tp. HCM
(Bài viết trích trong cuốn “Bút ký – Quận 5 trong tôi” xuất bản năm 2020)
Đứng trước ngôi nhà số 44/18, đường Tân Hưng, Phường 12, Quận 5, Tp. HCM tôi ngỡ ngàng xen chút hoài nghi có phải mình tìm sai địa chỉ? Ồ, không! Qua cửa sổ tôi nhìn thấy bức ảnh có lẽ được chụp sau chiến thắng Điện Biên của đại tướng Võ Nguyên Giáp, đứng bên cạnh ông là người sĩ quan còn rất trẻ ắt hẳn là vị gia chủ căn nhà mang biển số nói trên, vị sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị lão thành cách mạng Trần Thăng Phúc, người đã có 72 năm tuổi Đảng với cuộc đời binh nghiệp trải dài xuyên suốt ba cuộc chiến tranh, kinh qua nhiều cấp chức chỉ huy trong quân đội, từng là trung đoàn trưởng Trung đoàn xe vận tải, vận chuyển vũ khí lương thực quân trang quân dụng chi viện cho chiến trường miền Nam, từng chịu trách nhiệm hậu cần cho toàn bộ chiến trường Campuchia. Sau năm 75, ông từng là hiệu trưởng trường đào tạo sĩ quan kĩ thuật Wilhem pieck - Tp. HCM. Ấy vậy mà, sự ngỡ ngàng hoài nghi lạ lẫm của tôi có nguyên do từ sự giản dị của ngôi nhà so với bề dày cống hiến của vị chủ nhân. Tôi thiển nghĩ, nếu muốn ông Phúc dư thừa điều kiện để tạo dựng cho gia đình mình ngôi biệt thự hoành tráng như phần lớn những người có quyền chức. Bởi trong thời buổi nhiễu nhương khó phân biệt vàng thau, chuyện cán bộ có thân thế có quyền chức sỡ hữu khối tải sản kết xù là chuyện phổ biến không lấy gì làm lạ, nói vậy cũng không có nghĩa hễ cán bộ có tiền của đều do từ nhũng nhiễu mà ra nhưng nhũng nhiễu thì được sinh ra từ những người có quyền chức. Có người nói với tôi, ngôi nhà ông Phúc thuộc khu cư xá có từ thời trước, tôi không quan tâm lắm về độ chính xác cũng như lịch sữ và năm tháng tồn tại của ngôi nhà, chỉ biết đã là chung cư thì qui cách xây dựng đều có cùng khuôn mẫu. Nhà ông Phúc là một ngôi nhà tầng thấp không sân, không hàng hiên, không rào giậu, ngăn cách lòng đường với trong nhà là cái “ngạch” cửa. Từ ngoài nhìn vào, bề ngang nhà chưa đầy 4m, bên phải là khung cửa sổ hai cánh lấp kính lùa, có lẽ là mới làm lại sau nầy cho đỡ choáng không gian khi mở ra đóng vào, hơi lệch về bên trái là cửa chính của ngôi nhà. Ngay chính giữa, bên trên khung cửa chính có gắn tấm biển “gia đình văn hóa” màu nâu nhạt gần tiệp với màu tường, chắc nó được gắn ở đó từ rất lâu rồi nhưng dấu vết thời gian không làm nó biến dạng nhếch nhác rêu phong mà trang trọng hài hòa, không lòe loẹt phô trương kệch cỡm. Ngôi nhà tuy không bề thế nhưng trông vững chắc thanh lịch và yên bình. Sau một lúc đắn đo nhìn ngó quẩn quanh, tôi gạt bỏ sự hoài nghi đưa tay bấm chuông, tiếng chuông gọi cửa khẽ ngân lên, âm thanh nghe chừng rất mỏng, đủ để người trong nhà nhận ra tín hiệu mà không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà hàng xóm liền kề bên cạnh. Tiếng chuông mỏng manh lọt thỏm giữa đua chen ồn ào phố xá, cứ làm tôi vướng vấp không thể không chạnh lòng nghĩ về nó.
Cửa mở. Tôi cởi giày, nhẹ nhàng bước qua khung cửa, không đầy một bước chân, đã thấy mình đứng tần ngần ngay giữa phòng khách. Căn phòng rộng không quá 12 mét vuông. Nền nhà được lót gạch bông có cùng tông màu nâu nhạt, loại gạch được sản xuất từ cách nay rất lâu, được bàn tay người chăm chút cẩn thận, sạch sẽ tinh tươm, tuyệt không có một hạt bụi nào “ dám bám trụ”. Phòng khách được ngăn cách với nhà sau bằng một bức tường. Tựa bức tường là một bệ thờ được xây bằng gạch nung cao khỏang chừng hơn thước, rộng cỡ tầm 5 tấc, dài không tới hai mét. Bên trên bệ đá, nơi cao nhất đặt bàn thờ gia tiên, chỗ thấp hơn là nơi đặt hình tướng Giáp, vài bức ảnh chụp tập thể những người lính, có lẽ là đồng đội của ông, trong số đó chắc có người đã hy sinh ngoài mặt trận khi họ còn rất trẻ, người còn sống cũng phân ly mỗi người mỗi ngả. Kế tiếp là bức di ảnh của người con trai duy nhất của ông, cố Trung tá bác sĩ quân y Trần Hoàng Phong, một người hiền lành đẹp trai tận tụy với nghề với đồng đội đã rời cuộc thế khi tuổi đời còn trẻ, để lại trong lòng người cha già không nguôi nỗi tiếc thương. Trần Hoàng Phong cũng là vị bác sĩ có mặt trong tốp người đầu tiên được điều ra Trường Sa làm nhiệm vụ cứu chữa thương bịnh binh, sau hai mươi ngày lênh đênh trên biển cả, ngay khi vừa bước chân lên đảo anh đã phải bắt tay vào ca mỗ cấp cứu cho một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Kể ra điều nầy để thấy rằng, với nhiều mối “quan hệ đặc biệt”, ông Phúc có thừa khả năng can thiệp để đứa con trai duy nhất của mình ở lại đất liền, khỏi phải xông pha vào nơi khó khăn gian khổ chất chồng, trập trùng nguy hiểm, nhưng ông đã không làm vậy mà ngược lại luôn mực động viên con trai mình, trong tinh thần một người lính, hãy vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ cao cả góp phần bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đối diện với bệ thờ là bộ bàn ghế kiểu bàn ăn của vài thập niên trước, chủ nhà dành để tiếp khách. Mặt bàn hình oval với 4 chiếc ghế có bọc nệm ở chỗ tựa lưng và mặt ghế ngồi, chân chúng đuợc làm bằng sắt xi, mẫu mã đơn giản nhỏ gọn. Kiểu bàn ghế đó giờ hầu như trở thành của hiếm hoi trên thị trường nội thất. Để kiểm chứng cho lời nói của mình, đêm qua tôi đã tiêu tốn khá nhiều thời gian cho việc dạo quanh các siêu thị buôn bán nội thất trên mạng, lang thang từ Đông sang Tây từ Nam chí Bắc, tận mắt nhìn thấy hằng hà sa số mẫu mã của thế giới bàn ghế, đủ các kích cỡ sắc màu chủng loại đẹp hút hồn người. Có những bộ bàn ghế “hùng vĩ” dành bày biện trong các phòng khách sang chảnh như kiểu vua chúa, đến bộ bàn ghế dùng cho góc bếp hẹp nhỏ trong ngôi nhà bình dân thời 4.0, nhưng tuyệt nhiên tôi không hề nhìn thấy kiểu dáng bộ bàn ghế ở nhà ông Phúc. Dù đã biết ngôi nhà không bề thế, phòng khách cũng sẽ rất khiêm nhường nhưng thật tình tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự giản đơn đến khó tin dù đó là sự thật hiển nhiên trước mắt, căn phòng ngoài chiếc bệ thờ, vài bức ảnh, bộ bàn tiếp khách như đã nói ở trên, không còn sự hiện diện bất cứ vật dụng tiện nghi nào khác, kể cả những tấm huân huy chương mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân trao tặng vì sự cống hiến của ông cho hòa bình độc lập nước nhà, có thể ông cất giữ những tấm huân huy chương ghi nhận một thời hào hùng, niềm tự hào của cả một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng ở một nơi trang trọng nào đó trong ngôi nhà để giữ cho riêng mình, cũng như lưu giữ truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu.
Câu chuyện của vị lão thành cách mạng đưa tôi qua bao khúc quanh cuộc đời ông. Năm 11 tuổi, nhà nghèo buộc ông phải rời xa gia đình theo người họ hàng lên thị xã Hà Tĩnh kiếm sống, với thân phận ăn nhờ ở đậu của kẻ tôi đòi. Mười một tuổi, ông phải làm công việc nặng nhọc như một người trưởng thành, nào xay lúa giả gạo gánh nước bửa củi cuốc đất, trồng rau, đi kèm theo đó là những lời mắng chửi cay nghiệt phát ra từ miệng người đàn bà mà ông gọi là thím nhiều như cát biển. Công kia việc nọ tất bật suốt tháng quanh năm áo không đủ mặc, cơm không đủ no. Mỗi bữa chỉ được lưng bát cơm với quả cà muối, một mình một xó nhà, bần cùng tủi nhục, nước mắt hẩm hiu chảy dài theo ngày tháng đói khổ. Nói sao cho hết những nỗi cay cực mà ông phải gánh chịu trong bốn năm làm thân phận kẻ tôi đòi. Rồi một ngày cơ may đưa đến, ông Phúc kết thâm giao với một người bạn, sau nầy là Thiếu tướng Trần Công Minh, tham gia đội du kích thị xã Hà Tĩnh, do ông Minh làm Đôi trưởng. Từ đây, ông Phúc như chim sổ lồng, khát vọng tự do đã trở thành sự thật, chấm dứt những năm tháng đọa đày khổ ải. Tuổi 15, ở lứa tuổi dân gian thường nói “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng đối với ông Phúc niềm hạnh phúc có được quá lớn lao, bởi ông thấu hiểu thế nào là giá trị của sự giải thoát, giá trị của tự do tự chủ, ông sớm giác ngộ, ngày đêm hăng say công tác, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập, bất chấp mọi gian lao chồng chất, ông đối mặt và vượt qua gian nhó để vươn tới mục đích lớn lao cao cả tươi đẹp hơn, không như những nỗi cay cực nhọc nhằn mà trước đây ông phải gánh chịu trong thân phận kẻ tôi đòi. Mười bảy tuổi ông Phúc chính thức gia nhập bộ đội Giải phóng quân, đúng vào ngày 19/8/45, cái ngày nhân dân Hà Tĩnh cùng nhân dân cả nước vùng lên cướp chính quyền từ tay Pháp Nhật. Với riêng ông Phúc, ngày 19/8/45 thật sự có ý nghĩa đặc biệt, đó là cột mốc đầu tiên một dấu ấn quan trọng mở đầu cuộc đời binh nghiệp của ông. Mười tám tuổi (1946), ông Phúc được đề bạt làm Trung đội trưởng, khi mới vừa tròn một tuổi, kể ra vào thời bấy giờ đó là chuyện rất hi hữu. Ông Phúc chỉ huy Trung đội 2, tiểu đoàn 6, thuộc Chi đội Đội Cung, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 (nghệ An), tham gia trực tiếp đánh vào đồn Pháp đóng ở phía sau nhà ga Vinh, bắt sống toàn bộ quân lính Pháp gồm 30 tên trong đó có tên Nicolas quan 5 Pháp, đó là trận đánh đầu tiên trong cuộc đời làm bộ đội của ông. Năm hai mươi tuổi (19/51948), ông Phúc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1949 là huyện ủy viên thuộc Quân khu ủy khu Bốn được điều thẳng ra mặt trận Việt Bắc. Năm 1950, ông được giao nhiệm vụ Binh trạm trưởng trạm tiếp tế cho mặt trận biên giới Cao - Bắc - Lạng, dưới quyền chỉ uy của ông Đinh Đức Thiện cục trưởng cục vận tải quân sự. Kết thúc thắng lợi chiến dịch biên giới Cao Bắc Lạng, ông được đề bạt là Đại đội trưởng đại đội xe 204 chi viện cho Mặt trận Tây Bắc. Trong chiền dịch Điện Biên, ông Phúc với vai trò Tiểu đoàn trưởng tiều đoàn xe cơ giới tham gia vận tải và kéo pháo vào mặt trận. Gần cuối chiến dịch trong lúc đang chỉ huy đơn vị xe vượt trọng điểm dưới lưới đạn pháo dày đặc của quân giặc, ông bị trọng thương gãy xương quay xanh (thương binh ¾) ông vẫn bình tĩnh tiếp tục chỉ huy đơn vị cho đến khi hoàn toàn kiệt sức mới chịu rời trận địa. Ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên, vì vết thương quái ác buộc ông phải nằm viện, không được có mặt cùng đồng đội chứng kiến ngày vui lịch sử “chấn động địa cầu” nầy, mãi để lại trong lòng người sĩ quan trẻ chút bùi ngùi nuối tiếc.
Năm 1965, quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, tập trung tối đa sức mạnh quân sự để tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đánh phá miền Bắc hòng đè bẹp quân ta, nhanh chóng kết thúc công cuộc chiến tranh ở miền Nam. Phải nói đây là cuộc chiến tranh khốc liệt nhất máu xương nhất mà dân tộc ta phải gánh chịu cái giá phải trả cho một Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập tự do tự chủ. Năm 1965, ông Phúc được phong Trung tá - Trung đoàn trưởng chỉ huy trung đoàn xe vận tải Phả Lại vượt Trường Sơn, băng qua biển lửa, băng qua mưa bom bão đạn, băng qua máu xương đồng đội để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 7/74 trên đường cùng đơn vị trở ra Bắc để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô năm 75, tại tọa điểm 052 trên đèo Mụ Dạ, vào lúc bất ngờ (ba giờ khuya) cả đơn vị ông Phúc rơi vào tọa độ pháo của giặc, nhiều xe trúng bom nhiều đồng đội thương vong. Một lần nữa, ông Phúc lại phải nằm viện không được có mặt trong đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Sài Gòn. Năm 1979, ông Phúc với quân hàm Thượng tá, Tham mưu trưởng Tổng cục kỹ thuật, chịu trách nhiệm đảm bảo khí tài quân trang quân dụng lương thực thuốc men cho toàn bộ chiến trường Camphuchia. Năm 1982, ông Phúc được phong hàm đại tá, làm hiệu trưởng Trường đào tạo sĩ quan kĩ thuật Wilhem pieck - tp. HCM. Sau khi về hưu trở lại với đời thường, ông Phúc tích cực tham gia công tác ở địa phương khi thì làm công tác Đảng, lúc làm công tác mặt trận, công tác xã hội, ông không từ nan bất cứ công việc nào miễn là có lợi cho Đảng cho nhân dân, ông luôn sống lạc quan vui vẻ thân thiện với mọi người nhất là gần gũi với lớp trẻ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trách nhiệm với họ.
Đã quá trưa, câu chuyện cũng đã đi đến hồi kết, đôi mắt loáng ánh nước nhìn về nơi chốn nào đó còn đọng lại trong ông một quá khứ bi hùng, giọng đau đáu nỗi niềm, ông Phúc khẽ khàng nói,“ cá nhân chú được đãi ngộ như vầy là quá đầy đủ quá hạnh phúc rồi. Dân tộc ta hy sinh quá lớn, quân đội ta luôn trung thành vô hạn với sự nghiệp vinh quang của Đảng, biết bao xương máu đã đổ xuống để làm nên thành quả cách mạng hôm nay, ta nợ nhân dân món nợ quá lớn. Còn đó hàng triệu gia đình thương binh liệt sĩ mà trong họ nỗi đau luôn hiện hữu, xin đừng đối xử vô ơn với họ”. Tôi lặng đi nghe cay cay khóe mắt, cảm xúc chực vỡ òa trước tâm tình của vị lão thành cách mạng còn đậm nguyên chất anh bộ đội cụ Hồ, người lính giải phóng quân năm xưa, mà năm tháng trôi qua cuộn vào dòng chảy nó những ngiệt ngã mất còn, làm đảo lộn đổi thay những giá trị tinh thần, được xác lập bằng nền tảng đạo đức của cha ông, bằng máu xương mồ hôi nước mắt của các bậc tiền nhân. Căn phòng nhỏ vụt bừng sáng trong tôi thứ ánh sáng trong sạch lấp lánh chất ngọc quí đã qua mài giũa. Sự khiêm nhường giản dị của ngôi nhà số 44/18 đường Tân Hưng, phường 12, Quận 5, Tp.HCM, với tôi như biểu trưng cho sự liêm khiết, bản chất tốt đẹp của người cách mạng chân chính, tồn tại giữa thời bạc vàng đang trong cơn “thác loạn”, đạo đức liêm chính bị xoáy mòn, nó hoàn toàn khác biệt đối lập với những tòa biệt phủ triệu đô, những ngôi biệt thự mạ vàng được tạo nên bằng những chiếc vòi tham nhũng như những vòi bạch tuộc hút máu nhân dân, băm nát đất nước nầy cho vào túi tham những đồng tiền tội ác. Và lũ chúng đã đang sẽ phải trả giá cho tội ác của mình. Tôi ra về lòng bâng khuâng bao nỗi, cảm ơn ngôi nhà khiêm nhường của vị lão thành cách mạng Trần Thăng Phúc trong buổi sáng mai nầy, đã tiếp lữa cho tôi tin vào những điều tốt đẹp đang còn đó.
Nguyễn Bính Hồng Cầu