Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; nguy cơ cháy nổ tại các hộ gia đình, hộ kinh doanh, khu dân cư, chung cư, các cơ quan, doanh nghiệp,… còn tiềm ẩn và khó lường. Có rất nhiều nguyên nhân gây cháy như: bất cẩn trong sử dụng điện, đun nấu, thờ cúng, hút thuốc lá, hàn cắt,… nhưng nguyên nhân quan trọng nhất gây cháy là do ý thức của rất nhiều người, thờ ơ, thiếu quan tâm, thậm chí xem nhẹ công tác phòng ngừa cháy nổ và không chuẩn bị sẳn sàng các điều kiện để thoát nạn và chữa cháy.
Trong dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán, việc sản xuất, tích trữ, mua bán hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cũng tăng đột biến, gây quá tải trong sử dụng điện, quá công suất trong sử dụng dây chuyên công nghệ, quá tải tại các nhà kho...; nhu cầu sử dụng xăng dầu, dung môi, hóa chất, nguyên phụ liệu… cũng tăng gấp nhiều lần ngày thường…; dễ xảy ra tình trạng bất cẩn, sai sót, thậm chí cố ý vi phạm trong thiết kế - câu mắc - sử dụng điện, trong sắp xếp hàng hóa, trong đun nầu - thờ cúng - hút thuốc lá, trong hàn cắt kim loại - thi công… gây ra cháy nổ là tất yếu nếu không nâng cao ý thức phòng ngừa.
Để chủ động phòng ngừa cháy nổ dịp cuối năm và nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải:
- Đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC quy định tại điều 5, 6, 7, 8 - Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC do Ủy ban nhân dân phường, Công an quận kiến nghị, hướng dẫn.
- Tích cực tổ chức và tham gia học tập, nắm vững các kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ ban đầu, mới phát sinh.
- Kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn; dây dẫn điện đi vào ống bảo vệ, trang bị thiết bị đóng ngắt tự động (áp tô mát) để bảo vệ; đề phòng quá tải, chạm chập khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện và câu mắc điện; các thiết bị điện không sử dụng, ra khỏi nhà, hết giờ làm việc phải ngắt hết các thiết bị điện không cần thiết; sửa chữa kịp thời các thiệt bị điện hư hỏng, lão hóa.
- Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, theo từng lô, dãy, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt ít nhất 0,5 m; không sắp xếp hàng hóa trên hành lang, cầu thang. Không tích trữ xăng dầu, gas, hóa chất khi không cần thiết; giảm thiểu số lượng hàng hóa đến mức thấp nhất có thể, nếu phải trữ hàng hóa thì bố trí kho riêng biệt.
- Bố trí khu vực đun nấu, thờ cúng riêng biệt, đảm bảo không bắt lửa và cháy lan; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng gas, xăng dầu, sơn, dung môi; trong đun nấu, đốt nhang - vàng mã thờ cúng phải trong coi cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc an toàn.
- Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc sử dụng hàn cắt kim loại và trong hút thuốc lá. Không để trẻ em nghịch lửa và người già yếu, mắt kém sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt.
- Trang bị đèn chiếu sáng sự cố, chuẩn bị sẵn sàng chìa khóa, búa phá dỡ và các điều kiện phục vụ thoát nạn khi có cháy, nổ.
- Trang bị bình chữa cháy xách tay, dự trữ nước và các loại phương tiện chữa cháy tại chỗ khác, nắm vững cách sử dụng; nắm vững 04 bước xử lý cháy nổ theo tiêu lệnh chữa cháy và sẵn sàng xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Hạn chế sử dụng cửa cuốn, lắp đặt song sắt (chuồng cọp) tại ban công; sử dụng bảng quảng cáo, bảng hiệu vừa phải, có phương án thoát nạn khi có cháy.
- Khi có cháy, nổ xảy ra phải nhanh chóng thoát nạn nếu không xử lý được và phải báo ngay qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.