Từ 08 giờ đến 11giờ ngày 22/02/2024 (tức 13 tháng 1 âm lịch năm Giáp Thìn), Ban quản trị Hội quán Nghĩa An tổ chức Lễ nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tuần du.
Đến dự có bà Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng – Bí thư Quận ủy Quận 5, ông Cao Sơn Yên – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, ông Lê Tấn Tài - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5, bà Hồ Thị Trúc Giang - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Quận 5, ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ - Quận ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5.
Lễ nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tuần du được tổ chức với ước nguyện cầu cho “Quốc thái Dân an” “Mưa thuận Gió hòa” cuộc sống ấm no hạnh phúc, cho mọi gia đình và xã hội được thanh bình, phồn vinh.
Lễ nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tuần du năm 2024 diễu hành qua các tuyến đường trên địa bàn Quận 5 gồm: Nguyễn Trãi – Tản Đà – Trần Hưng Đạo – Châu Văn Liêm – Hải Thượng Lãn Ông – Phùng Hưng - Đỗ Ngọc Thạnh – Nguyễn Trãi – Châu Văn Liêm – Lão Tử - Lương Nhữ Học và quay về Hội quán Nghĩa An (gồm địa bàn các Phường 10, Phường 11, Phường 14 với sự tham gia gần 500 người với đội hình: Chiêng lớn mở đường; Diễu hành Học sinh Trường Chính Nghĩa và Minh Đạo, các Đoàn lân Sư Rồng Hải Nam Liên Hữu, Tinh Anh Đường, Hằng Anh Đường, Nhơn Nghĩa Đường, Đội Cồng chiêng cổ nhạc Triều Quần, Đội ngũ cờ Tiêu Hội Quán Nghĩa An, Đội ngũ bảng gỗ chư Thần, Nhóm múa Ngựa, Nhóm Bát Tiên chúc mừng, Nhóm Kiều nữ Gánh Hoa, Đội rước kiệu Quan Thánh Đế Quân, Đội Cồng chiêng cổ nhạc Sư Trúc Hiên…
Được biết, Hội quán Nghĩa An còn gọi Chùa Ông hay Miếu Quan Đế. Bộ bia đá được lưu giữ tại đây cho biết hội quán đã được trùng tu và sửa chữa vào các năm 1866, 1902, 1969, 1994 và lần đại trùng tu mới nhất là vào năm 2014.
Mặt bằng hội quán Nghĩa An là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, lộng lẫy và nhiều màu sắc. Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, mặt bằng kiến trúc hội quán Nghĩa An hình chữ “Quốc”, bố cục gồm: bình phong - hồ nước - sân - tiền điện - thiên tỉnh - trung điện - thiên tỉnh - nhà hương - chính điện, dọc hai bên các điện thờ Đông lang và Tây lang, hai khối nhà làm việc và sinh hoạt của người Triều Châu, người Hẹ. Ngay vị trí trung tâm chính điện là gian thờ Quan Thánh Đế Quân – vị Thần được thờ cúng chính tại hội quán Nghĩa An. Ông tên là Quan Vũ, tự Vân Trường, sinh năm 160, bị kẻ thù giết chết năm 219, thọ 60 tuổi (có thuyết nói ông thọ 63 tuổi), người thôn Thường Bình, huyện Giảng Lương, tỉnh Sơn Tây, là một nhân vật thời Tam Quốc. Tại vườn đào, Ông kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, trở thành tình bạn điển hình muôn thuở. Ông là biểu tượng của tình bạn thủy chung, tận tụy hy sinh, nhân ái độ lượng, trung hiếu tiết nghĩa. Vua Trung Hoa phong tặng ông là Quan Thánh Đế Quân. Người Hoa tôn xưng ông là Quan Đế, Quan Thánh Đế, Quan Lão Gia hay trang trọng nhất là “Ông”. Quan Công trở thành vị thần tối thượng trong cuộc sống tinh thần của người Hoa ở Nam Bộ.
Hội quán Nghĩa An được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 43 – VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993.