Kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc từ Hội nghị bô lão Diên Hồng đến “tập hợp bốn phương manh lệ”, Hồ Chí Minh xây dựng tinh thần đoàn kết mang hàm lượng khoa học, cách mạng và nhân văn. Tư tưởng đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trong Thơ chúc Tết hay Thư chúc mừng năm mới, Người luôn dành tình cảm đặc biệt với đồng bào, đồng chí, người Việt Nam ở nước ngoài và bè bạn quốc tế, trong đó không quên chúc đồng bào đoàn kết với một năng lượng mới, sinh khí mới, niềm vui mới, tràn đầy niềm tin và nhựa sống.
Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là đòi hỏi khách quan của cách mạng, được Người rút ra thành những bài học kinh nghiệm lịch sử quý giá, những kết luận có tính chân lý: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là một lực lượng vô địch”; “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Đúc kết lại, đó là bài học chữ “đồng”: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”. Trong thực tế cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ đoàn kết như một mục tiêu, một nhiệm vụ của Đảng: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Vì vậy, củng cố, tăng cường đoàn kết là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Đoàn kết ở tầm “Đại đoàn kết” trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải lấy lợi ích tối cao của Tổ quốc, của nhân dân là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh làm nền tảng và tôn trọng, quan tâm lợi ích chính đáng của cá nhân. Đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp, các dân tộc anh em, đồng bào lương, giáo, đảng phái, ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ theo phương châm “cầu đồng tồn dị”; bao dung, khoan dung, độ lượng, nhân ái, nhân nghĩa, xóa bỏ mọi thành kiến. Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tìm mẫu số chung của dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt, quy tụ thay vì loại trừ.
Hồ Chí Minh đánh giá cao, đầy đủ, toàn diện vai trò của quần chúng nhân dân. Di sản của Người cho thấy trong thế giới ngày nay, không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh đoàn kết của nhân dân; không có cái gì có thể chống lại sự đoàn kết của nhân dân; không có cái gì quý báu hơn nhân dân; không có gì ngăn cản được mặt trời mọc, không ai có thể đi ngược lại ý muốn của nhân dân. Trong xã hội không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ nhân dân. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.
Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải ở lời nói, khẩu hiệu mà biến thành lực lượng vật chất có tổ chức. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. “Đại đoàn kết” đi tới “Đại thành công”.
Vẹn nguyên giá trị của “Thế nước - Lòng dân”
Năm 2023, cùng với thế giới, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều dự báo. Đó là hậu quả nặng nề kéo dài của đại dịch Covid-19; xung đột Nga-Ukraine, xung đột Hamas-Israel tại dải Gaza; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm…
Tuy vậy, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của nền kinh tế toàn cầu. Hoạt động đối ngoại là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Sức mạnh đoàn kết đã tỏ rõ một dân tộc không ngã tay chèo trước sóng cả, tạc vào thế kỷ “dáng đứng Việt Nam”. Càng trong gian nan, thử thách, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết của dân ta càng được củng cố, bồi đắp, nâng cao thể hiện ở tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Một Việt Nam được định vị bằng sức mạnh của ý Đảng - lòng dân, lòng dân - ý Đảng dưới ánh sáng tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm và phát huy đầy đủ. Các nguồn lực và tài năng sáng tạo của nhân dân chưa được phát huy tốt. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cả nội dung và phương thức có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm. Nguyên nhân và cũng là bài học lớn từ những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và hạn chế, khuyết điểm là vun bồi “thế trận lòng dân”, “yên dân” để có được “Thế nước - Lòng dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.
Để có được đoàn kết rộng rãi, vững chắc, lâu dài cần phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng. Đó là tư tưởng xuyên suốt của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Cần một hệ giải pháp đồng bộ cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, trong đó những điểm căn cốt nhất là tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự nhất trí, thống nhất trong Đảng để Đảng đúng tầm, xứng danh lãnh đạo.
Phát huy thật sự dân chủ xã hội chủ nghĩa vì đó là của quý báu nhất của nhân dân để khẳng định địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Phải thật sự trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân; lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của dân. Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích các thành viên trong xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội.
Xét đến cùng, nhân tố có ý nghĩa quyết định là con người vì mọi việc đều do người làm ra. Công cuộc đổi mới là do con người, vì con người; con người là trung tâm, mục tiêu của đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, phát triển đội ngũ doanh nhân cả số lượng và chất lượng, xây dựng các giai tầng, đội ngũ trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao dân trí, nhân lực, trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành phải được coi là điểm mấu chốt.
Với truyền thống: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng, điều quan trọng nhất là mỗi con dân nước Việt biết khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, quyết tâm, đồng tâm, khát vọng cống hiến, chúng ta sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
|