SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
1
4
5
3
0
Bản tin quận 02 Tháng Tư 2018 8:30:00 SA

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong bối cảnh mới

 

Là nước có vị trí địa - chiến lược quan trọng, Việt Nam có vai trò nhất định trong tương quan tập hợp lực lượng ở khu vực và thế giới và là đối tượng “ve vãn” của các nước lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là cạnh tranh Trung - Mỹ, đang ngày càng gia tăng, giá trị chiến lược và thế mặc cả của chúng ta trong quan hệ với các nước lớn là đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc sẽ tăng lên tương ứng. Điều này mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc tranh thủ các nước lớn để phục vụ mục tiêu an ninh (nhất là bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ) và phát triển, song cũng tạo thế khó xử cho chúng ta khi cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng.

Điều này đặt ra cho Việt Nam những lựa chọn chính sách hết sức khó khăn nếu muốn bảo vệ vững chắc các lợi ích chiến lược và chính đáng của mình ở Biển Đông.Hơn nữa, nếu như tranh chấp Biển Đông hiện nay liên quan đến nhiều nước khác (5 nước, 6 bên; đã vượt ra khỏi khuôn khổ tranh chấp chủ quyền, tài nguyên giữa Trung Quốc và 4 nước ASEAN (Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Brunây) và vùng lãnh thổ (Đài Loan), trở thành một trong những tâm điểm của cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ. Việc Mỹ triển khai chính sách “tái cân bằng” ở khu vực cũng làm vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp và bị quốc tế hóa cao độ. Do đó, việc tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho tranh chấp ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ rất khó khăn, phức tạp… 

Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên minh liên kết và chính sách quốc phòng “ba không”(Không tham gia các liên minh quân sự; Không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; Không đi với bất kì nước nào để chống lại bên thứ ba), Việt Nam phải tính toán rất kỹ nhằm tìm giải pháp có lợi nhất, hoặc ít bất lợi nhất trong việc xử lý tranh chấp trên biển với Trung Quốc và chủ yếu phải dựa vào các nguồn lực của chính mình.

Một là, cần xác định rõ quan điểm chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì đấu tranh nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, kết hợp phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” như Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ đồng thời xác định rõ, bám sát phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” - kiên định về nguyên tắc chiến lược, nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược.

Hai là,vấn đề Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, xử lý theo cảm tính hay sự dẫn dắt của tình cảm dân tộc chủ nghĩa; xác định rõ vấn đề Biển Đông có thể chưa được xử lý dứt điểm trong nhiều thập kỷ tới, thậm chí trong cả thế kỷ XXI. Do đó, cần kiên trì, nhất quán thực hiện phương sách tuyệt đối tránh xung đột nếu chưa bị đẩy vào đường cùng, tranh thủ tối đa các cơ hội duy trì môi trường hòa bình, quản lý tranh chấp, xử lý khủng hoảng, không để khủng hoảng leo thang thành xung đột quân sự.

Ba là, tranh thủ các kênh quan hệ đặc thù với Trung Quốc, nhất là kênh Đảng –một lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước tranh chấp khác. Do đó, cần tiếp tục duy trì, phát huy kênh này trong việc kiểm soát tranh chấp, xử lý khủng hoảng trên biển.

Bốn là, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tốc độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, kể cả với Trung Quốc để góp phần tăng mặt “đối tác”, giảm thiểu mặt “đối tượng”, khiến bất cứ hành vi nào của Trung Quốc xâm phạm lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông đều gây tác động “rút dây động rừng”. Sở dĩ ở thời điểm xảy ra vụ Hải Dương 981, khủng hoảng không leo thang thành xung đột quân sự một phần lớn là do Việt Nam đã có cục diện quan hệ đối ngoại tương đối vững chắc, nhất là quan hệ với các nước lớn.

Cuối cùng, phải khai thác hiệu quả hơn nữa công cụ ngoại giao đa phương và chuẩn bị sẵn sàng công cụ pháp lý trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Việc tiếp tục theo đuổi chiến lược “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông sẽ góp phần làm chậm lại tốc độ hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, tập hợp thêm lực lượng bên ngoài ủng hộ các lợi ích chính đáng của Việt Nam; tích cực hơn nữa phát huy vai trò dẫn dắt trong ASEAN cùng các nước nòng cốt là lợi ích chiến lược của Việt Nam.


Số lượt người xem: 1124    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm