SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
2
5
6
7
4
Bản tin quận 15 Tháng Mười Hai 2022 8:30:00 SA

“Quận 5 trong tôi” - Bút kí dự thi TRÊN MẢNH ĐẤT NÀY

 

 

Thủa sơ khai loài người đã tự do di cư. Đất rộng, người thưa, con người tìm đến nơi dễ làm ăn sinh sống, nếu đất lành thì an cư. Hành trình tìm về mảnh đất phương nam của con người hơn ba trăm năm trước cũng vậy.

 

Cho đến năm 1620, theo cuộc hôn nhân của công nương Ngọc Vạn với quốc vương Chân Lạp, số người Việt đến với đất phương nam tăng lên. Năm 1623, chúa Nguyễn dựa trên tình bang giao hữu hảo với Chân Lạp đã xin lập hai th­ương điếm Prei Nokor (tên gọi cũ của Sài Gòn, vị trí Chợ Lớn - Sài Gòn ngày nay) và Kas Krobey (vùng Bến Nghé, vị trí Quận 1 - Sài Gòn ngày nay) để thu thuế.

 

Khi chưa có chủ quyền, xét về mặt ngoại giao và phát triển kinh tế, chúa Nguyễn đã thành công khi xin đặt hai thương điếm vùng Chợ Lớn, Bến Nghé, cũng có nghĩa, đó là dấu ấn làm ăn của người Việt, sản xuất, giao thương và khởi sinh nên “mầm mống đô thị” cho mảnh đất này (Sài Gòn). Con người dần sinh sôi, và người Việt cũng dần dần về đây cư trú, cho đến 1679 có thêm người Hoa đến định cư và năm 1698 nhà Nguyễn tiếp tục mở rộng lãnh thổ, chiêu dân, lập hai huyện Tân Bình (Sài Gòn) và Phước Long (Đồng Nai) tạo bước ngoặt lịch sử cho dân tộc.

 

Lần theo những dấu mốc lịch sử quan trọng từ thời kì đầu đến nay ta thấy, Sài Gòn là vùng đất đã trải những thời kì gây dựng, giao lưu, tiếp biến văn hóa mà thành một Sài Gòn như hiện nay; cởi mở, thân thiện, hào phóng, đa văn hóa, đa sắc tộc và chính Quận 5 là một trung tâm đại diện nhất.

 

Hơn ba trăm năm, đã có sự định danh, phân chia địa giới khác nhau ở nhiều thời kì, nhưng qua tư liệu, sử sách thì Quận 5 là vùng đất cổ xưa nhất và chính nó đại diện cho những giao thoa, tiếp biến văn hóa đa dạng, đặc biệt của của Sài Gòn.

 

Không gian lịch sử, văn hóa không đóng khung mà lan tỏa rộng dần, Quận 5 như tâm điểm thu nạp, dung dưỡng, hòa hợp, tạo nên nét riêng, lan tỏa và tạo nên Sài Gòn như vốn có. Nó chứng minh cho ta thấy, nó là vùng đất thể hiện rõ nhất lịch sử giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nhất là giao thoa văn hóa Việt - Hoa thời kì đầu gây dựng, và về sau là cuộc giao thoa văn hóa Đông-Tây. Đó là sự tiếp nhận có biến cải dựa trên những đặc điểm tự nhiên, những yếu tố địa lí, lịch sử và con người.

 

Từ buổi đầu chúa Nguyễn đặt thương điếm, tính chất đô thị của vùng đất này không ngừng phát triển và Quận 5 rất đặc trưng, đại diện cho “tinh thần đô thị” của Sài Gòn suốt hơn ba trăm năm qua.

 

Quận 5 là mảnh đất sớm hội tụ dân cư, mua bán, giao dịch dần phát triển và sớm hình thành chợ - Chợ Lớn (dân gian gọi Chợ Lớn, phân biệt với các chợ nhỏ hơn ví dụ như chợ Tân Kiểng). Dưới thời Pháp thuộc Chợ Lớn được định danh gọi là thành phố Chợ Lớn (1865).

 

Sự phát triển về thương mại từ lâu đời đã làm nên đặc điểm của quận. Cách thức làm ăn, sinh sống, sinh hoạt, tâm lí... mang nét đặc thù của văn hóa chợ. Chợ Quận 5 phát triển về số lượng và quy mô, cũng từ đó bến xe, chành xe phục vụ cho lượng hàng hóa chuyển đến chuyển đi phát triển mạnh, người và hàng tấp nập đáp ứng đòi hỏi trao đổi mua bán trong thành phố và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

 

Nhiều chợ Quận 5 là đầu mối giao thương, luôn nắm bắt tốt hoặc đi đầu hướng dẫn nhu cầu tiêu dùng, giới thương mại giàu kinh nghiệm, nhiều bí quyết trên thương trường, tất cả cùng tạo nên không gian chợ, một phần không gian đặc biệt của quận. Chợ Lớn, chợ Kim Biên, chợ An Đông, chợ sắt, chợ vải, chợ vật liệu xây dựng... đáp ứng nhu cầu hàng hóa, đa dạng sản phẩm, kể cả... hàng giả (hàng giả là vấn nạn có tính toàn cầu, nhất là ở những đất nước thiếu văn minh, là một vấn nạn cần đề cập đến để bài trừ, mong làm trong sạch môi trường, làm sạch không gian thương mại, mong đạt đến đời sống văn minh).

 

Nói đến chợ, khu phố kinh doanh làm nên không gian thương mại lâu đời và trở nên đặc biệt của Quận 5 khiến ta luôn nhớ tới một quãng phố luôn thơm hương vị các loài thảo mộc làm thuốc chữa bệnh. Phố buôn bán thuốc bắc, thuốc nam trở thành không gian ấn tượng, khó quên. Tinh hoa trong lĩnh vực y học, tầm quan trọng, hương vị đặc trưng đã làm nên nét riêng rất đặc biệt cho khu phố, cho Quận 5. Việc buôn bán thuốc, nguyên liệu thuốc được làm từ các thảo dược của khu phố có từ lâu đời, rất phát triển này còn để lại dấu ấn trên những ngôi nhà cổ rêu phong, một thủa là sự giàu có sang trọng của khu phố. Từ trước đến nay con đường vẫn luôn thơm hương các loài thảo dược và từ khi đổi tên, con đường còn luôn nhắc ta nhớ, tự hào về một đại danh y của dân tộc: Hải Thượng Lãn Ông.

 

Vì hội tụ giao thương sớm và phát triển mạnh nên quận có một nét phố rất riêng nữa, đó là Quận 5, mảnh đất đi đầu bảo tồn phát triển nghề kim hoàn, nơi có Hội quán Lệ Châu là đền thờ tổ nghề trên một trăm năm tuổi, công trình thuộc hệ thống kiến trúc Hội quán - Đền – Đình – Chùa - Miếu cổ của quận.

 

Chúng ta công nhận, trong rất nhiều loại hàng hóa, hàng trang sức mĩ nghệ vàng bạc là cần thiết và vùng Chợ Lớn rất có truyền thống về nghề này, đã đáp ứng từ lâu đời. Đây cũng là nét sang trọng của phố xá, của đời sống đô thị, được coi trọng, truyền giữ. Những người làm nghề tài hoa, những nghệ nhân vẫn tiếp tục truyền nghề, tiếp nối (nghề kim hoàn được ông tổ truyền đi từ miền bắc đến miền trung, vào đến miền nam nó được bắt đầu từ vùng đất Chợ Lớn và hiện Quận 5 có một địa chỉ là bảo tàng nghề kim hoàn; Vietnam Silver House 68 – Nghĩa Thục – Quận 5). 

 

Tính chất đô thị, sự đông đúc, sầm uất về người, hàng hóa có sức thu hút người đến làm ăn, mua bán, sinh sống. Dân cư càng tập trung đông đúc ta càng dễ hiểu vì sao Quận 5 nhỏ hẹp nhưng có rất nhiều bệnh viện. Quận không chỉ có nhiều bệnh viện nhất thành phố mà còn tập trung nhiều bệnh viện lâu đời, quan trọng, là những bệnh viện lớn nổi tiếng của thành phố của cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Đại Học Y Dược, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Răng - Hàm-Mặt Trung Ương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Hùng Vương, và đặc biệt nhất là Bệnh viện Nhiệt Đới với tên cũ là Bệnh viện Chợ Quán, là bệnh viện đầu tiên của Sài Gòn, của xứ Nam Kỳ do thực dân Pháp xây dựng, cũng là bệnh viện rất đặc biệt vì nó có khu trại giam để giam giữ tù nhân-bệnh nhân cách mạng (đồng chí Trần Phú đã hi sinh ở trại giam bệnh viện Chợ Quán) và khu Trại giam Bệnh viện Chợ Quán là một trong những di tích lịch sử quốc gia.

 

Diện tích nhỏ hẹp nhất nhì thành phố (4,27km2, nhỏ hẹp thứ 2, sau Quận 4 là 4,18 km2) nhưng lại là quận tập trung nhiều nhất về chợ, bệnh viện, trường học, đền, đình, chùa, miếu, nhà thờ... và chúng đều có bề dày lịch sử, quan trọng và lớn mạnh nhất thành phố.

 

 

Không gian đô thị của Quận 5 vì vậy thật sự đặc biệt trên nhiều phương diện.

 

Quận có rất nhiều Hội quán - Chùa, Hội quán - Miếu, Đình trên hai trăm tuổi với dáng nét kiến trúc cổ xưa độc đáo, với những chi tiết tinh xảo, tài hoa đậm dấu ấn riêng, được công nhận là những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như; như Hội quán Tuệ Thành và cũng là Chùa Bà Thiên Hậu, Hội Quán Nghĩa An cũng là Chùa Ông hoặc gọi là Miếu Quan Đế, Hội Quán Nhị Phủ, gọi là Chùa, Miếu Ông Bổn, Hội Quán Quỳnh Phủ, Hội Quán Ôn Lăng, Hội Quán Hà Chương (là ba Hội Quán- Chùa cùng thờ bà Thiên Hậu), Hội Quán Nghĩa Nhuận thờ Quan Đế (vốn là Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh) và Đình Minh Hương Gia Thạnh, và còn nhiều hội quán, đình, chùa, từ đường... là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.

 

Quận có nhiều những không gian cổ linh thiêng, nơi thờ cúng, nơi lưu giữ những giá trị đời sống tinh thần mộ đạo, giàu đức tin của người dân. Là những không gian bền bỉ với thời gian cùng các cộng đồng người Hoa hội họp, quây tụ với tinh thần tương ái, hoài hương, tự tôn dân tộc. Những không gian này đã góp phần cho ta thấy rõ hơn đời sống đa sắc màu, sự hòa hợp văn hóa, không gian sống đa dạng của quận, của một vùng đất.

 

Du khách thập phương tìm đến chiêm bái, ngưỡng vọng, người Hoa, người Việt, người mộ đạo sống ở quận, ở thành phố vẫn thường đến vào ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày lễ, tết thắp hương, cầu nguyện. Hương khói, sự thành kính, vẻ thanh tịnh của những hội quán, đình, chùa, miếu... như làm giảm bớt những trần tục, những náo nhiệt bon chen đời thường của phố xá. Tuy lẫn giữa phố phường nhộn nhịp, đông đúc nhưng những không gian cổ luôn giữ vẻ thâm trầm, thiêng liêng, yên bình, tịnh lắng... trở thành không gian văn hóa đặc sắc, giữ nét riêng biệt của quận.

 

Bên cạnh những hội quán, chùa, miếu, đình, còn có các giáo xứ với kiến trúc nhà thờ đạo cũng được xây dựng từ rất sớm, như nhà thờ Chợ Quán gần ba trăm tuổi, là nhà thờ cổ nhất của thành phố, nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc, nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, nhà thờ Thánh Giu se... Các nhà thờ đạo, các thánh thất, thánh đường của quận góp phần tạo nên sự đa dạng và hòa hợp của kiến trúc, của không gian và đời sống tinh thần.

 

Nếu như khu vực mua bán lâu đời đông đúc chật hẹp thuộc phía nam và tây nam quận, thì khu vực đông bắc, tây bắc quận có nhiều công trình như trường học, nhà thờ, bệnh viện... theo lối kiến trúc phương Tây, rộng, thoáng đẹp, nhiều cây xanh, những con đường lớn nhiều cây cổ thụ... là không gian có tính hiện đại, văn minh, nhân văn.

 

Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Trường THPT Thực Hành, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong là những trường liền kề nhau trên khoảng không gian lớn, thoáng rộng, bên những con đường lớn nhiều cây xanh của quận. Đây là khu đất lớn từ thời thuộc Pháp đã xây dựng nên hệ thống các trường trung học, đại học, vùng đất được coi là đã gieo mầm, đặt nền cho nền giáo dục hiện đại (phân biệt với nền giáo dục phong kiến Á Đông trước đó) ở Sài Gòn, ở phương nam. Từ đó về sau, đây vẫn là không gian dành cho trường học, là khu vực hoạt động giáo dục vẫn bảo tồn được những tòa nhà có kiến trúc đặc trưng, như là vẻ đẹp của kiến trúc Trường Chuyên PTTH Lê Hồng Phong được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Trường Đại Học Sài Gòn vốn là Trường Trung học Pháp-Hoa xây dựng từ 1908 là sự pha trộn kiến trúc Á-Âu có vẻ đẹp cổ kính nhất trong các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Trường THCS Hồng Bàng là ngôi trường đẹp đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Nói chung, quận có những không gian kiến trúc trường học thoáng đẹp, bề thế và nhân văn.

 

Khi Quận 5 tập trung nhiều trường học, nhiều bệnh viện nhất Thành phố thì chúng ta cũng đồng thời hiểu quận tập trung đông đảo hoạt động của lực lượng trí thức. Trí thức là giới góp phần làm nên bộ mặt văn minh của xã hội. Các nhà giáo, các nhà khoa học... là lực lượng khai sáng, xây đắp tháp văn hóa cho con người và xã hội, họ góp phần làm giàu có hơn, vững mạnh hơn đời sống tinh thần vậy nên không gian hoạt động của lực lượng trí thức là một không gian đặc biệt, là nét đẹp đô thị đáng tự hào của quận.

 

Mảnh đất thấm hồn cổ, thấm hồn cha ông mở cõi, gây dựng. Là mảnh đất lưu dấu ấn, chứng kiến bao đóng góp cống hiến để đất nước được thống nhất, được độc lập, tự do. Mảnh đất đã cưu mang, đắp bồi thêm lòng yêu nước, ý chí cứu nước cho thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước (Ngôi nhà số 5, đường Châu Văn Liêm, Quận 5 là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi Bác Hồ từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước). Trên mảnh đất này đồng chí Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của Đảng hi sinh trong tù ngục. Và là nơi có các tu sĩ, có chùa Thiên Tôn được tôn vinh trở thành di tích lịch sử cấp thành phố vì những hoạt động yêu nước, cứu nước. Và có biết bao tên tuổi anh hùng khác đã cống hiến xương máu vì thống nhất, vì độc lập tự do dân tộc.

 

 

Và chính quyền, đảng bộ cùng nhân dân Quận 5 cũng như thành phố rất chăm lo cho vấn đề bảo vệ, bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị của quận, đó không là hoạt động bình thường mà là tâm nguyện, chí huyết, là tình yêu sâu sắc đối với di sản, đối với những gì mà cha ông đã tốn bao xương máu tạo nên.

 

Không gian quận qua các công trình kiến trúc và rất quan trọng là đời sống tinh thần của con người bên trong, đằng sau nó. Bao thế hệ tiếp nối đã tiếp nhận, cải biến tạo nên đời sống tinh thần của người Sài Gòn về phong thái, cung cách, lối sống. Sự giao thoa, ảnh hưởng, dễ thâu nạp, dễ hòa hợp, phóng khoáng, yên lành trong sự đa dạng đã đi đến khẳng định bản sắc riêng. Sự tự nhiên và thoải mái, bình dân, hay sang trọng, lịch lãm... đều đủ vẻ, và đó cũng là đời sống, phong cách sống tùy cảnh, tùy người, tùy duyên của người Quận 5, của người Sài Gòn. Và câu chuyện của Quận 5 luôn luôn cùng mở ra với tất cả, với thành phố, với đất nước, với thế giới, cùng với lịch sử tiếp nối, luôn tiếp nhận để sáng tạo, để vươn lên không ngừng.

 

Mảnh đất nhỏ hẹp nhưng chứa đựng, chở tải rất nhiều, rất có tầm cao, chiều sâu và độ dài thời gian về nhiều phương diện, đó là điều đáng tự hào và đồng thời nó cũng chứa đựng nhiều vấn đề nan giải của đô thị.

 

 

 

Ai cũng rõ, chợ, bệnh viện là khu vực chứa nhiều dạng rác thải, dễ bị ô nhiễm và vấn đề môi trường đô thị, môi trường toàn cầu hiện nay đang trở nên nghiêm trọng, thì Quận 5 cũng là quận đại diện cho thành phố trong vấn đề này. Mật độ dân số cao, con người sống, làm việc, đi lại trong môi trường ngột ngạt hơn. Những con đường, không gian quanh khu chợ, khu thương mại, Chợ Lớn, chợ Kim Biên, bến xe buýt Chợ Lớn... nhộn nhịp hàng hóa người xe, ít cây xanh. Chợ Kim Biên dựng bằng sắt, tôn, bày bố hàng hóa, người xe chật chội, mất mỹ quan đô thị, chợ Xã Tây họp trên đường phố, nhiều chợ lấn tràn ra đường.

 

Trong nay mai hẳn sẽ có sự đầu tư để thay đổi; môi trường, kiến trúc cảnh quan khu vực giao thương, mua bán. Và việc quan tâm tới uy tín, thương hiệu hàng hóa, việc có trách nhiệm rõ ràng trước những gì gây độc hại cho môi trường, con người khi tiêu dùng hàng hóa thật sự rất quan trọng, người bán người mua cần có cách tạo nên không gian chợ an lành, xanh sạch trước xu thế vận động chung của đô thị thời hiện đại. Chợ và bệnh viện là nơi rất cần thiết có sự chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, nhân văn. Và ta biết đây là trăn trở là thách thức lớn trong quá trình xây dựng môi trường đô thị của quận, của thành phố và đất nước.

 

Một quận sở hữu rất nhiều những giá trị tiêu biểu, có nhiều công trình có giá trị cổ nhất của thành phố, có nhiều khu vực có sức hoạt động lớn như chợ, trường học, bệnh viện... nhưng diện tích lại nhỏ hẹp, và đứng trước những đổi thay mạnh mẽ của thời đại, đứng trước những thách thức đòi hỏi của đô thị hiện đại, nên lãnh đạo và nhân dân cần mạnh mẽ cải biến, vừa bảo tồn vừa có sáng kiến xây dựng không gian mới với lối sống văn minh hơn, làm nổi bật những giá trị để quận và thành phố thêm sức thu hút.

 

 

Trước một vùng đất, tôi thích tìm về cội nguồn của nó, từ những gì đầu tiên và qua bao thăng trầm lịch sử, qua mấy trăm năm mất còn những gì? Sử sách là nơi đầu tiên giúp ta lần tìm lại. Những gì đã và sẽ tồn tại với thời gian? Đó là các giá trị tốt đẹp, nhân văn cần tiếp tục gìn giữ, lưu truyền và phát triển.

 


Số lượt người xem: 472    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm