SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
8
5
7
1
3
8
Tin tức sự kiện 10 Tháng Sáu 2019 8:55:00 SA

Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần – Thay đổi vì một tương xanh

 

Ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay được xem là vấn nạn toàn cầu và là mối quan tâm lớn nhất trên thế giới và tại Việt Nam. Hưởng ứng phát động của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phong trào “Chống lại rác thải nhựa” được lan rộng khắp các tỉnh thành Việt Nam và tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với đặc tính nhẹ, bền, tiện lợi và rẻ tiền, các sản phẩm nhựa như túi ni-lông, hộp xốp, ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần đang được sử dụng phổ biến. Theo báo cáo (năm 2008) của Liên Hiệp Quốc, trên thế giới, hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và phần lớn lượng rác thải nhựa này (tương đương 79%) đang bị chôn vùi trong các bãi rác hoặc ra đại dương. Tại Việt Nam, theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng nhựa bình quân tiêu thụ trên cả nước không ngừng tăng, từ 3,8kg/người/năm vào năm 1999 lên 33kg/người/năm năm 2010 và đến 2017 là 41 kg/người năm, trong đó khoảng 1/3 sử dụng trong lĩnh vực bao bì. Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê năm 2015, chất thải nhựa chiếm trung bình khoảng 25% lượng chất thải rắn sinh phát trên địa bàn.

Vòng đời các sản phẩm nhựa dùng một lần thường rất ngắn. Trong khi đó, việc sản xuất ra chúng tiêu tốn nhiều nguyên liệu từ dầu mỏ, sử dụng nhiều năng lượng và phát sinh nhiều khí thải nhà kính. Do đó, việc sử dụng quá nhiều sản phẩm nhựa đẩy nhanh việc cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo đồng thời góp phần thúc đẩy hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khi bị thải bỏ, chất thải nhựa tồn tại rất lâu trong môi trường, có thể mất hàng trăm, hàng ngàn năm mới phân hủy. Đây là ưu điểm của sản phẩm nhựa nhưng đồng thời là nguyên nhân gây ra những tác hại nghiêm trọng.

Chất thải nhựa khi bị thải bỏ bừa bãi dễ phát tán khắp nơi gây mất mỹ quan đô thị; khi bị cuốn vào cống rãnh, kênh rạch sẽ tích tụ dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy, tạo nên các vùng nước tù đọng, làm phát sinh muỗi và dịch bệnh, đồng thời khiến tình trạng ngập của thành phố thêm trầm trọng.

Chất thải nhựa bị thải bỏ bừa bãi đặc biệt nguy hại cho sinh vật trong tự nhiên, đặc biệt là sinh vật biển. Hình ảnh những con cá voi, cá heo hay rùa biển, chim biển chết, dạt vào bờ với bụng đầy rác nhựa trong thời gian vừa qualàm dấy lên nhiều lo ngại.

Nghiêm trọng hơn, dưới tác động của các yếu tố trong môi trường, chất thải nhựa sẽ phân rã thành các mảnh nhỏ gọi là vi nhựa. Các vi nhựa này có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm (không tan trong nước) trong môi trường rồi qua các chuỗi thức ăn, chúng có mặt trong thực phẩm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, tại một số nơi, người dân vẫn còn thói quen đốt rác thải tại nhà và nơi công cộng. Đốt chất thải sinh hoạt trong đó có chất thải nhựa trong điều kiện không kiểm soát sẽ tạo ra khói thải chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, các hydrocarbon mạch vòng,furan và dioxin… gây ô nhiễm môi trường không khí, gây hại cho sức khoẻ cộng đồng.

Khi được thu gom xử lý tại các bãi chôn lấp, chất thải nhựa không chỉ khó phân huỷ mà còn cản trở quá trình phân huỷ của các chất thải khác, làm giảm đáng kể sức chứa, rút ngắn thời gian sử dụng bãi.

Là một trong những địa phương luôn tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, vấn đề kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy theo hướng tiết giảm (giảm sử dụng và phát sinh chất thải nhựa), tăng cường tái sử dụng, tái chếđã được Thành phố quan tâm từ nhiều năm qua. Nhiều chương trình đã được các Sở ngành triển khai, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụăn uống, trường học, cơ quan…đã có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế chất thải nhựa.

Hơn lúc nào hết, phong trào Chống rác thải nhựa cần sự tham gia và góp sức của cả cộng đồng, của mỗi người dân với những hành động thiết thực như:

* Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

* Đem theo túi khi đi mua sắm.

* Sử dụng các sản phẩm dùng nhiều lần, thân thiện môi trường.

* Sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng hợp lý các sản phẩm làm từ nhựa.

* Phân loại chất thải để chất thải có thể được tái chế.

* Bỏ chất thải đúng nơi quy định, không thải bỏ bừa bãi ra đường phố, kênh rạch..

* Không tự ý chôn lấp và đốt chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa.


Số lượt người xem: 1027    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm