Cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên của nước ta, là một trí thức công giáo yêu nước và giàu lòng nhân ái.
Cụ có hai người con trai là liệt sĩ và một con trai là sĩ quan quân y.
Khi biết tin con trai cụ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác Hồ tự tay đánh máy một bức thư chia buồn đề ngày 7-1-1947, toàn văn như sau:
Gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng
Thưa ngài,
Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.
Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh (1)
Năm 1949, đến ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, Bác Hồ lại gửi thư tới cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh:
Thưa cụ,
Mỗi năm đến 27-7 là Ngày Thương binh tử sĩ, nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho đồng bào.
Hôm đó, Bộ không tổ chức lạc quyên. Nhưng Bộ vẫn trông mong và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà hoặc quyên giúp.
Vậy tôi xin xung phong:
- Tặng một số khăn mặt và áo quần mà đồng bào các nơi đã biếu tôi.
- Gửi một tháng lương của tôi là 1.000 đồng.
- Và nhờ cụ chuyển lời thân ái của tôi an ủi anh em thương binh cùng các gia đình tử sĩ.
Chào thân ái và quyết thắng
Hồ Chí Minh (2)
Ngày 27-7-1950, Bác Hồ lại gửi Thư cho Ban Tổ chức Trung ương Ngày Thương binh tử sĩ. Trong thư, Bác gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức và thân ái gửi lời thăm hỏi anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.(3)
Năm 1951, báo Nhân Dân, số 18, ngày 26-7, đã đăng Thư của
Bác gửi Cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh, trong đó có đoạn:”Nhân ngày Thương binh, tôi nhờ cụ biếu lại những anh em thương binh kiểu mẫu mấy bộ áo mà đồng bào đã biếu tôi.
Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm tròn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả.
Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng ?...”(4)
Bác còn góp nhiều ý kiến chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt.
Ngày Thương binh 27-7-1952, Bác lại có Thư tới cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh, gửi biếu một tháng lương để làm quà cho anh em và không quên chuyển lời hỏi thăm ân cần tới anh em thương binh và gia đình liệt sĩ. Trong thư, Bác còn dặn dò anh em phấn đấu giữ vững phẩm chất người thương binh, bệnh binh:
“- Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân.
- Tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật.
- Chớ bi quan chán nản. Phải luôn luôn cố gắng.
Trước kia, anh em đã xung phong diệt giặc thì ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất…” (5)
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đầu năm 1954, Bác Hồ đã cử cụ Vũ Đình Tụng làm Đặc phái viên Chính phủ phụ trách việc tổ chức chăm sóc thương binh ở chiến trường.
Hòa bình lập lại, cụ được Bác Hồ và Chính phủ giao tiếp tục chỉ đạo công tác thương binh - liệt sĩ.
Sau năm 1958, cụ Vũ Đình Tụng chuyển sang làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Cụ Vũ Đình Tụng sinh ngày 25-6-1895, tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương, Vũ Đình Tụng làm Giám đốc dưỡng đường và Trưởng khoa giải phẩu thuộc phân khoa hỗn hợp Y Dược, chuyên gia phẩu thuật tại Bệnh viện Thuộc địa (Hà Nội); từng là hội viên Viện nghiên cứu nhân học, cộng tác viên Học viện phẩu thuật và tạp chí khoa học Pháp-Việt, tạp chí Thanh Nghị (Hà Nội); năm 1944, là một trong những người sáng lập và Uỷ viên Trung ương Tân Việt Nam hội (tiền thân Đảng Dân chủ Việt Nam).
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Cụ từng là Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ, rồi Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới, Ủy viên Ủy ban Liên lạc toàn quốc những người công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.
Cụ Vũ Đình Tụng mất vào trung tuần tháng 4-1973, thọ 78 tuổi.
(1)(2) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 5 - tr 40-652.
(3)(4)(5) Sdd - T 6 - tr 75-261-532-533.