Trong vòng 10 năm trở lại đây, dân Sài Gòn quen dần với sự xuất hiện những quán cà phê theo mô thức mới: rộng lớn, trang trí đẹp, có không gian ngoài trời lẫn trong nhà được bài trí sang trọng, phục vụ chuyên nghiệp và đặc biệt giá bán một ly cà phê cũng rất “sang chảnh”, ít nhất cũng mắc gấp đôi ở các quán thường. Khách cũng có thể ăn sáng hoạc ăn trưa tại quán với một thực đơn gọn nhẹ…
Các quán cà phê kiểu này, ban đầu ra đời ở khu vực Quận 1, Quận 3 một cách rãi rác, rồi bùng nổ thành một cụm quán tại khu vực Hồ Con rùa và lân cận, “xâm chiếm” luôn một phần khuôn viên Công ty Cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh lẫn Văn phòng phía nam của Bộ Giáo dục. Có quán như Ân Nam ở đường Võ Thị Sáu – Trương Định còn làm luôn buffet trưa để thu hút khách là dân văn phòng đến quán.
Riêng Quận 5, có lẽ do đất chật, người đông, ở giai đoạn phát triển cực thịnh của cà phê theo mô thức này, gần 10 năm trước, mới có quán tương tự ra đời trên đường Nguyễn Văn Cừ, và vài quán khác quy mô nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, đại lộ Võ Văn kiệt…Gần đây, khi quán Đà lạt phố mở ra trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, nghiễm nhiên đã chiếm lĩnh vị trí là quán cà phê “hoành tráng nhất ở Quận 5” cho tới hiện tại.
Từ thành công của một người trẻ
Ít ai ngờ, chủ nhân quán Đà lạt phố là một chàng trai 35 tuổi, vẻ thư sinh, hiền lành nhưng rõ ràng là rất dũng cảm với quyết định mở quán cà phê trên mặt bằng thuê thời hạn 10 năm, vốn đầu tư bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Chưa tính tiền thuê phải trả hàng năm, tiền lương cho mấy chục nhân viên làm theo ca, tiền điện, nước, thuế, chi phí khác… hàng tháng phải trả là không hề nhỏ. Riêng tiền điện, bình quân gần 100 triệu đồng mỗi tháng, nhằm duy trì một chút “mát lạnh Đà Lạt” giữa Sài Gòn ngột ngạt nóng bức trong không gian quán.
Thực tế, kể từ ngày Đà Lạt phố khai trương, người ta cũng bất ngờ trước sự tấp nập của quán, và là thành công bước đầu của một người trẻ trên đường khởi nghiệp, nắm bắt đúng nhu cầu xã hội, mạnh dạn đầu tư. Thành phần khách uống cà phê ở đây đa dạng, buổi trưa có cả công chức, buồi sáng là dân kinh doanh tự do, chủ doanh nghiệp, sinh viên… đủ mọi lứa tuổi. Đã nhiều lần, khách đến quán rồi bỏ quên lại túi, xách có nhiều tài sản giá trị, có lần có tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, hốt hoảng quay lại quán tìm kiếm… cầu may, đã thở phào vì được trả lại đầy đủ, không thiếu món gì. Có thể đây là một trong số những lý do khiến Đà Lạt phố ngày càng đông khách, dù cũng có những khách ngắm nghía không gian bài trí của quán rồi “phán”: rất… cải lương!
Uống cà phê là một thói quen của dân Sài Gòn xưa nay. Vì vậy, với nhiều người quán cà phê ưa thích chính là một nơi lui tới quen thuộc, có khi không chỉ một lần trong ngày, hoặc mỗi ngày một lần nhưng kéo dài cả buổi. Đến quán cà phê, khách còn hay tìm cái chỗ ngồi quen thuộc của mình, những bạn bè hợp “gu”… Chuyện quanh bàn cà phê thì nhiều: việc làm ăn, tâm sự, thời sự xã hội… trên trời dưới đất đều có đủ. Ly cà phê với người dân Sài Gòn do đó không thể được xếp loại “thức uống nhanh” chống buồn ngủ.
… Đến nhu cầu của đời sống văn hóa
Sống chật chội, đi lại chen chúc, số đông người lớn lẫn trẻ em ở Quận 5 cũng làm việc, học hành trong những không gian hẹp, khá tù túng. Sự góp mặt mới mẻ của quán cà phê Đà Lạt phố đã nhanh chóng tạo ra sự thu hút, và đang thành công. Dưới góc nhìn khác, đây l;à một xu hướng kinh doanh đáng khuyến khích, góp phần tạo ra nơi giải trí lành mạnh cho cộng đồng dân cư, thay cho xu hướng cứ nhăm nhe mở… quán nhậu như lâu nay.
Một vùng đất Chợ Lớn phồn thịnh thuở xưa dập dìu khách ngược xuôi, đã không thiếu những tiệm cao lâu, tửu quán, trà đình làm nơi ăn uống và giải trí, thì giờ đây cũng cần có thêm nhiều những nơi tương tự quán Đà Lạt phố, điểm tô thêm sắc màu cho đời sống văn hóa người dân ngày một đa dạng và phong phú hơn.