Đường Châu Văn Liêm là một con đường đẹp ở Quận 5, với thiết kế một con đường lớn ở giữa, hai bên là hai hàng câycổ thụ xanh rợp bóng, rồi tới hai làn đường nhỏ hai bên dành cho xe máy, xe đạp. Đường Châu Văn Liêm có điểm đầu nối với đường Hải Thượng Lãn Ông, ngay vị trí mặt tiền Bưu điện Quận 5 nhìn ra, không gian thoáng, rộng. Hải Thượng Lãn Ông cũng là một con đường lớn, có dãi phân cách giữa rộng rãi có thể trồng cây cỏ, tạo mảng xanh và bóng mát phục vụ công cộng.
Trong quá khứ, Bưu điện Quận 5 ngày nay đang nằm ngay vị trí của ngôi chợ mệnh danh là Chợ Lớn ngày xưa và đường Hải Thượng Lãn Ông xưa có tên là rạch Chợ Lớn, đường Châu Văn Liêm cũng có tên là rạch Phố Xếp, kéo dài qua đường Thuận Kiều lên tới bệnh viện Chợ Rẫy. Rạch Chợ Lớn bấy giờ là một con rạch lớn, nối vào kênh Tàu Hủ và kéo dài qua bến xe Chợ Lớn, đến đường Nguyễn Thị Nhỏ (xưa kia cũng là một con kênh gọi là kênh Vòng Thành). Hình hài uốn lượn tự nhiên của một con rạch thuở nào nay vẫn còn mường tượng được khá rõ khi đi dọc theo đường Hải Thượng Lãn Ông, cùng với chiều ngang của đường có những đoạn rộng, hẹp không đều - như con rạch ngày xưa.
Theo thời gian và biến thiên của lịch sử, Sài Gòn trở thành trung tâm hành chính của cả vùng Đông Dương thuộc Pháp gồm cả ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào. Việc quy hoạch cả vùng Sài Gòn - Chợ Lớn trở thành một đô thị hiện đại được tiến hành nhanh chóng, trong đó có việc phát triển hệ thống giao thông đô thị đường bộ, tiện lợi và nhanh chóng hơn đường thủy. Năm 1925, cả hai con đường Châu Văn Liêm - Thuận Kiều được xây dựng, khi lấp kênh Phố Xếp. Vài tháng sau, tới lượt rạch Chợ Lớn cũng được lấp đi, thay vào đó là con đường Hải Thượng Lãn Ông. Riêng khu vực trung tâm hành chính Sài Gòn, việc lấp rạch được bắt đầu sớm hơn. Năm 1892, rạch Cây Cám trở thành đường bây giờ là Lê Thánh Tôn. Đường Lê Lợi xưa là kênh Coffin. Kinh Chợ Vải nay là đường Nguyễn Huệ. Rạch Cầu Sấu thành đường Hàm Nghi. Đường Nguyễn Thái Học xưa là rạch Cầu Ông Lãnh. Đường Trần Đình Xu vốn là rạch Cầu Kho. ..
Rất rõ ràng, cả vùng Sài Gòn - Chợ Lớn của trăm năm trước là một vùng sông rạch, kênh mương chằng chịt. Quá trình đô thị hóa biến kênh mương thành đường đã diễn ra, như một nhu cầu vận động để phát triển hết sức tự nhiên của cuộc sống.
Nhưng, đâu chỉ là kênh, rạch? Hai bên bờ kênh, rạch là không gian sống của những con người, những thôn xóm, những mảnh đời có đủ buồn vui. Chắc hẳn, khi con rạch hóa nên con đường, sẽ có không ít nỗi ngậm ngùi tiếc nhớ về một thuở “cây đa cũ, bến đò xưa…” của những chàng trai, cô gái Sài Gòn - Chợ Lớn trăm năm trước. Cũng là lẽ thường khi người ta thường tiếc quá khứ và hy vọng về tương lai. Ngay đầu thế kỷ 19, thời vua Minh Mạng, Huế là kinh đô, bà Huyện Thanh Quan - một nữ sĩ Hà Nội - đã tiếc nhớ quá khứ của một Thăng Long thành bằng những câu thơ để đời”
“…Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Thềm cũ lâu đài bóng tịch dương…”
(Thăng Long thành hoài cổ)
Rất ngậm ngùi, rất “tâm tư” nói theo cách nói bây giờ thịnh hành, nhưng là một tâm trạng khá phổ biến và tất nhiên khi cuộc sống bắt buộc vẫn phải tiến lên phía trước, nếu không muốn trở thành một xã hội, một cộng đồng chậm tiến, lạc hậu, đặc biệt là trong trào lưu toàn cầu hóa của thế giới ngày nay.
Quận 5 cũng đang diễn ra một tiến trình gần như tương tự việc lấp kênh, rạch làm đường như ngày xưa: cải tạo hệ thống chung cư cũ đã xuống cấp qua nhiều năm sử dụng để hình thành hệ thống chung cư mới hiện đại, an toàn hơn, tạo thêm diện tích ở cho nhu cầu người dân. Đây chắc chắn là một công việc không dễ dàng, vì sẽ đụng chạm tới lợi ích, sinh kế, thói quen sinh hoạt… của không ít người dân ngụ cư liên đới, nhưng dẫu sao thì khi nhu cầu phát triển đòi hỏi, vẫn phải làm. Vấn đề công khai, minh bạch và tôn trọng lợi ích chính đáng của người dân cũng cần đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình thực hiện, tạo ra thiết chế phù hợp để người dân tham gia tiến trình cải tạo chính chung cư của mình một cách tích cực, phải chăng cũng là một điều cần thiết?
Hôm nay đi trên đường Hải Thượng Lãn Ông, rẻ qua Châu Văn Liêm, mường tượng dưới bánh xe máy, dưới lớp nhựa đường là những bùn, cát của những dòng kênh xưa… Rồi đây vài năm nữa, đứng dưới sân những chung cư mới hiện đại, cao vút, cũng sẽ nhớ về những chung cư tường vôi, mái ngói, cầu thang bộ ở giữa có lối dắt xe đạp ngày nay… Câu thơ “Lối xưa xe ngựa…” của bà Huyện Thanh Quan không thể nào quên được!