SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
5
2
2
0
7
Tin tức sự kiện 03 Tháng Mười 2014 1:55:00 CH

Một số kỹ năng căn bản thoát hiểm khi xãy ra hỏa hoạn

 

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận 8, trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn quận 5 đã xảy ra 13 vụ cháy gây thiệt lớn đối với tính mạng và tài sản của người dân. Đa số các vụ cháy đều xảy ra tại nhà dân và cơ sở kinh doanh, nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do chập điện và do bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt. Đồng thời qua kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện 163 vụ vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Các lỗi phổ biến là vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy, vi phạm quy định về trang bị, bảo quản sử dụng phương tiện phòng cháy chữa cháy. Vậy để hạn chế thấp nhất về tín mạng và tài sản do cháy thì người dân phải làm gì?

 

Phòng cháy hơn chữa cháy

 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Quận 8 khẳng định hiệu quả cao nhất vẫn là phòng cháy. Đặc biệt là phòng cháy tại khu dân cư, vì có trên 70% vụ cháy xảy ra tại địa bàn dân cư. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều biện pháp phòng cháy như hỗ trợ hộ dân cải tạo hệ thống điện, trang bị bình chữa cháy, diễn tập chữa cháy… tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân thiếu hiểu biết, chủ quan trong công tác phòng cháy. Theo ông, để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, mỗi hộ gia đình cần thực hiện những biện pháp sau:

 

Không tồn chứa số lượng lớn những chất nguy hiểm cháy, nổ trong nhà như xăng, dầu, bình gas mini; trường hợp hộ gia đình buôn bán các mặt hàng dễ cháy như quần áo, đệm, chăn... thì hạn chế tối đa số lượng và phải để ở những nơi cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bố trí sắp xếp thành lô theo từng mặt hàng tạo khoảng cách giữa các mặt hàng và khoảng cách thoát nạn cần thiết.

 

Hệ thống điện cần phải lắp đặt, sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện; lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt tự động khi có sự cố chập điện xảy ra… Không để thiết bị điện sinh nhiệt lớn như bếp điện, quạt sưởi ấm… gần đồ dùng làm bằng vật liệu dễ cháy.

 

Khi sử dụng gas cần lưu ý: Khóa van bình gas trước, sau đó mới khóa van bếp, tránh trường hợp chỉ khóa van bếp mà quên khóa van bình gas. Khi ngửi thấy mùi khí ngay lập tức cảnh báo cho mọi thành viên trong gia đình, tuyệt đối không bật công tắc điện, hay bất cứ dụng cụ, thiết bị nào có phát sinh tia lửa mà nhanh chóng mở tất cả các cửa để thông gió; kiểm tra cụm van, bình gas, đường ống xác định vị trí rò rỉ bằng nước xà phòng. Cố định tạm thời vị trí rò rỉ hoặc tháo dây dẫn gas và mang bình ra nơi thoáng gió và thông báo cho nơi cung cấp gas hoặc đơn vị PCCC để xử lý. Khi xảy ra cháy gas tại vị trí bếp, đường ống, cụm van điều áp hãy tìm cách khóa van bình gas, sử dụng bình chữa cháy, các vật dụng (chăn ướt, nước) để dập cháy và báo cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114. 

 

Việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những ngày lễ, Tết tại mỗi gia đình cần cách xa những nơi có chứa chất nguy hiểm cháy, nổ; có người canh chống cháy lan.

 

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện người dân nên đầu tư lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường tự động, bình chữa cháy để xử lý, phản ứng kịp thời khi xảy ra cháy. Đồng thời nên mở lối thoát hiểm để thoát nạn khi có sự cố xảy ra.

 

Một số kỹ năng căn bản thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

 

Giữ bình tĩnh là nguyên tắc quan trọng nhất để thoát khỏi hỏa hoạn. Theo anh Nguyễn Ngọc Hoàng – Cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Quận 8, khi xảy ra cháy, mọi người thường hoảng loạn và không có thời gian để suy nghĩ. Do đó nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Cũng theo anh Hoàng, trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do vậy, nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy uy hiếp tới tính mạng. Lối này có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề...

 

Khi di chuyển phải cúi thấp người vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói. Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.

 

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang hãy gây chú ý bằng cách vẫy tay, la hét. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động. Tuyệt đối không được hoảng hốt nhảy từ tầng cao trừ khi có hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

 

Cháy nổ là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng căn bản nhất để thoát nạn khi có sự cố xảy ra.

 

Khi xảy ra sự cố cháy, nổ; cần cứu nạn, cứu hộ hãy gọi Tổng đài 114


Số lượt người xem: 4052    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm