SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
1
2
4
6
7
Bản tin quận 20 Tháng Giêng 2020 8:40:00 SA

Bài học trọng dân, khoan sức dân và trọng dụng hiền tài

 

Ngày xuân nhắc nhớ bài học khoan thư sức dân và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhất định sẽ tiếp sức cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động và liêm chính hiện nay.

Sau 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông (từ 1258 đến 1288), mùa hè năm Canh Tý (1300) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bị ốm nặng. Nhà Vua đến thăm, nhắc công lao của vị tướng tài được Triều đình tôn kính như “Quốc Phụ”. Rồi nhà Vua hổi: “Nếu chẳng may Vương mất, mà giặc phương Bắc lại sang thì làm thế nào?”.

Hưng Đạo trả lời: Ngày xưa Triệu Võ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh thì nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liên Châu đánh vào tỉnh Trường Sa, dùng đoàn binh úp đằng sau, đó là một thời. Đến thời Đinh Lê dùng được người hiền tài, đất phương Nam mới mạnh, mà phương bắc thì mỏi mệt, suy yếu. Trên dưới cùng lòng, lòng dân không chia, xây thành Bình Lỗ (khu vực Thái Nguyên bây giờ) phá được quân Tống, đó cũng là một thời. Nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm chiếm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh thẳng vào Khâm Châu, Liên Châu là vì có thể đánh được. Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức. Giặc tự bị bắt, đó là trời xui nên vậy. Tóm lại, giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắ. Lấy ngắn chế dài là việc thường của binh pháp. Nếu thay quân giặc đến ồ ạt như lửa cháy, gió thổi thì dễ chế ngự. Nếu nó đi chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm, có thu được binh lính một lòng như cha con thì mới dùng được.  Vả lại, thời bình khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nướcKhoan thư sức dân ở đây chính là đòi hỏi nhà cầm quyền phải bồi dưỡng sức dân, phải quan tâm, chăm lo đời sống của dân. Bài học không những có giá trị trong lịch sử mà đến nay vẫn còn tỏa sáng.

Biết sử dụng và tiến cử nhân tài

Là một người có tài dụng người, dụng binh thao lược, ông tiến cử người tài giỏi giúp nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu... đã có công đánh dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Những người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng về văn chương và chính sự.

Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào xâm chiếm nước Việt, ông lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi...

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như những vị quan thanh liêm trong lịch sử đã từ chối sử dụng quyền chức để trục lợi cho cá nhân mình, gia đình mình. Họ sống một đời rất đường hoàng, tự tại, thác đi cũng để lại tiếng thơm cho con cháu. Họ đều là những người trí tuệ, khôn ngoan, chứng tỏ sự lựa chọn thanh liêm của họ là có sự cân nhắc, có cơ sở.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn người trung nghĩa nên đã giữ được những nhân tài chung quanh ông.

Mùa thu tháng 8, ngày 20 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8, tức ngày 5/9/1300 Ông mất. Theo lời dặn, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ. Sau khi ông mất triều đình phong tặng là Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công Tiết Chế Nhân Võ Hưng Đaọ Vương.

Nhân dân vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên -Mông bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc nên lập đền thờ Ông trên nền Vương Phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Dân ta kính trọng vinh danh Ông là Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương lập đền thờ Đức Thánh Trần ở nhiều nơi.

Tài liệu tham khảo

-Đại Việt sử ký toàn thư , Sử quán tu soạn Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Chú dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo ứng, Nhà xuất  bản Hồng Bàng-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, trang 334, 335.


Số lượt người xem: 1571    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm