SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
2
1
7
9
3
Bản tin quận 03 Tháng Tư 2017 3:25:00 CH

Trong thị trường khám chữa bệnh sôi động của Quận 5

Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐANG Ở ĐÂU?

 

Nhiều ngày la cà các bệnh viện ở Quận 5, ấn tượng đậm nét nhất vẫn là cảnh những đám đông người bệnh kiên nhẫn chờ đợi, những lối đi trong các hành lang bệnh viện chen chúc người qua lại, nồng nặc hơi người… Có cảm giác người bệnh từ bốn phương hội tụ về Quận 5 vì nhu cầu khám – chữa bệnh.

Phải chăng, chính bối cảnh bệnh nhân nườm mượp mỗi ngày đã và đang tạo ra cái yếu tố “thiên thời” – thời cơ thuận lợi nhất – để nhanh chóng chuẩn bị, hoạch định, tham khảo, tiến tới xây dựng một bước đi táo bạo nhưng hoàn toàn phù hợp với ngành y tế Quận 5 bằng tổ chức hoạt động khám – chữa bệnh y học cổ truyền, có kết hợp với những phương tiện trang thiết bị chẩn đoán hiện đại, ở tầm mức và quy mô của một bệnh viện?

Hai yếu tố “địa lợi” và “nhân hòa”, Quận 5 đều có sẵn, với một thị trường thuốc và dược liệu cổ truyền, một lực lượng lương y đông đảo, một khoa y học cổ truyền liên tục được đào tạo tại trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc ngay Quận 5.

Còn nhớ, sau ngày giải phóng, giữa bao khó khăn thiếu thốn, thuốc chữa bệnh cũng khan hiếm, Quận 5 đã là đơn vị quận – huyện đầu tiên “xung phong” thành lập Xí nghiệp Đông Nam Dược, tạo nguồn thuốc chữa bệnh phục vụ người dân từ y học cổ truyền, đồng thời tạo luôn được một nguồn thu ngoại tệ rất quý giá thời bấy giờ, qua việc xuất khẩu đông nam dược và dược liệu.

Hiện toàn thành phố chỉ có duy nhất một bệnh viện Y học cổ truyền, nằm kế Viện Y Dược Học Dân Tộc trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, hàng ngày có hàng ngàn lượt người đến khám – chữa bệnh. Trong các bệnh viện đa khoa, y học cổ truyền khiêm tốn gói gọn trong một khoa nhỏ nhoi. Điều này phản ảnh một thực tế hai mặt: một mặt,bệnh nhân vẫn đặt niềm tin vào hiệu quả của y học cổ truyền được tổ chức chính quy, bài bản; mặt khác, vì nhiều lý do, khám – chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở không ít bệnh viện đang bị xem nhẹ, trong lúc nhu cầu của bệnh nhân không hề nhỏ.

Quận 5 có một con đường vinh dự mang tên Hải Thượng Lãn Ông, bậc thầy y học cổ truyền Việt Nam ở thế kỷ 18, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, tác giả bộ sách y học “Y tông tâm lĩnh” đồ sộ gồm 28 tập, 66 quyển. Đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông giáp với đường Triệu Quang Phục và đường Lương Nhữ Học hợp thành một khu vực kinh doanh đông nam dược và dược liệu lớn nhất nước, người mua kẻ bán tấp nập suốt ngày. Xen kẻ với các các hàng mua bán là các phòng khám đông y, số lượng cũng không đếm xuể.

Trong nỗ lực tôn vinh y học cổ truyền, quảng bá và hỗ trợ phát triển thị trường đông nam dược, Quận 5 vẫn thường xuyên tổ chức các hình thức, sự kiện gây chú ý cho công chúng, như Tuần lễ Đông y chẳng hạn. Tuy nhiên, phải chăng như vậy vẫn chưa đủ, chưa thể khai thác hết tiềm năng, lợi thế về y học cổ truyền Quận 5 đang có, tại một địa bàn đang là một thị trường khám – chữa bệnh khổng lồ?

Về mặt chủ trương, ngày 16/2/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi làm việc với Viện Y Dược Học Dân Tộc thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định: thời gian tới, ngành y tế sẽ thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nền y học cổ truyền.

Ngày 28/3/2017, tiếp xúc với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị  Kim Ngân, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Quận 5 ghi nhận: bệnh nhân của khoa đến từ các quận lân cận rất nhiều…. Tiền thân của khoa Đông y, Bệnh viện Quận 5 là Phòng chẩn trị Y học cổ truyền, thành lập từ rất sớm, sau năm 1975… Thật đáng tiếc, là cho tới nay Quận 5 vẫn chưa có được một bệnh viện y học cổ truyền để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa phục vụ khám - chữa bệnh cho nhân dân, vừa thể hiện nét đặc sắc riêng của cộng đồng cư dân Quận 5.

Trong ngành y, bác sĩ ở trình độ chuyên môn II được xem tương đương tiến sĩ về mặt khám và điều trị lâm sàng. Bác sĩ Kim Ngân tốt nghiệp Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, hành nghề bác sĩ gần như cả đời, vì hai năm nữa chị sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Cơ ngơi khoa Đông y của chị là một căn phố lầu cũ kỷ chật chội trên đường Ngô Quyền, bên trong được chia ô rất khéo để có đủ chỗ khám và điều trị bệnh nhân. Phòng làm việc của Trưởng khoa là chị, cũng đồng thời là phòng khám bệnh, kiêm luôn phòng chờ của những bệnh nhân kế tiếp…

Chúng tôi ngẫm nghĩ mãi về cái điều đáng tiếc của bác sĩ Kim Ngân. Phải chăng chị tiếc vì một đời khám chữa bệnh vẫn chưa có niềm vui được làm việc trong một bệnh viện y học cổ truyền ở Quận 5? Hay tiếc vì một bệnh viện như vậy vẫn mãi mãi là một ước mơ, khó thành sự thật? Hay lại vì khi ước mơ thành sự thật, chị đã nghỉ hưu mất rồi…?

Quả thật, những người có tâm huyết và tự hào với nền y học cổ truyền nước nhà rất dễ chạnh lòng trong một thị trường khám - chữa bệnh tấp nập, náo nhiệt như Quận 5, chưa có chỗ xứng đáng để thể hiện phương châm “Nam dược chữa Nam nhân” của bậc tiền bối Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác khẳng định thuở nào?


Số lượt người xem: 1205    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm