Hơn 3 năm trước, lúc đang ngồi gõ bàn phím, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Lê Văn Thảo. Giọng nhà văn hào hứng và nói khá to ( sau này tôi được biết là để át tiếng gió): “Anh đang ở chỗ cột cờ Lũng Cú. Em đến đây chưa?”. Khi tôi trả lời là mình chưa đến, anh Thảo nói: “Vậy thì em nên đến. Chưa đặt chân đến đây em chưa thể hình dung được cái cảm giác thiêng liêng…”.
Tôi cùng đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo và anh chị em văn nghệ sĩ đặt chân đến đồn Biên phòng Lũng Cú, đơn vị bảo vệ cột cờ, nằm dưới chân núi Rồng, lúc mặt trời đã ngả về hướng tây. Khi nhìn thấy cột cờ cùng lá cờ tung bay giữa đất trời trong nắng hè vàng rực, trái tim trong lồng ngực tôi như cồn lên. Trong lúc đoàn chờ đồn biên phòng cho phép xe ô tô được tiếp tục di chuyển lên thêm một đoạn đường nữa (xe đi suốt chặng đường từ Hà Nội, vượt qua nhiều cung đường hiểm trở, đa số thành viên trong đoàn đều thấm mệt) về phía sườn núi Rồng, tôi lật đật tách đoàn, gọi một chiếc xe ôm.
Sau ít phút , chiếc xe gắn máy của một người đàn ông Pà Thèn đưa tôi đến sát bậc thang đầu tiên dẫn lên cột cờ.
Khi leo lên hết gần ba trăm bậc thang và đặt chân đến chân cột cờ Lũng Cú, tôi hiểu phần nào cái cảm giác, cũng như mường tượng được vẻ mặt bồi hồi xúc động khi nhà văn Lê Văn Thảo gọi điện cho tôi nói về cảm giác thiêng liêng mà anh muốn chia sẻ. Sinh thời, nhà văn Lê Văn Thảo lúc nào cũng hào phóng. Sự hào phóng nơi nhà văn đàn anh là sẵn sàng chia sẻ cảm giác vui buồn, chia sẻ ký ức về năm tháng không quên thời khói lửa chiến tranh mà thế hệ nhà văn các anh trực tiếp cầm súng ra trận, chia sẻ những trải nghiệm được mất của mình cho anh em, bè bạn, đặc biệt là bạn văn. Tôi muốn được chụp ngay một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đứng bên bệ cột cờ có mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Đứng ở vị trí đó và ngước nhìn lên lá cờ bay phần phật trên đỉnh cột - nơi mà hơn ba năm trước, có lẽ nhà văn Lê Văn Thảo cũng đứng nơi này, cũng chụp hình, cũng phập phồng nhịp thở như tôi lúc này. Nhưng, tôi chưa thể nhờ chụp được. Tôi nhấp nhổm chờ từng thành viên của đoàn người cao tuổi mặc áo đỏ in sao vàng trên ngực - họ đang lần lượt chụp hình, cũng tại vị trí mà tôi muốn chụp. Trong lúc chờ, tôi bắt chuyện với một thành viên của đoàn. Hóa ra, ông từng là người lính cầm súng chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Nơi đó, cũng như nhiều mặt trận ở Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang…. đồng đội ông, nhiều người vĩnh viễn nằm lại. Trong cái nắng chói chang trên đỉnh núi Rồng, gương mặt người cựu chiến binh hằn rõ những nếp nhăn và cảm xúc. Người cựu binh, cũng như tôi, lần đầu đặt chân đến nơi này.
Lần đầu được đứng trên đỉnh núi Rồng, nơi cách đây hơn một ngàn năm, thời Lý Thường Kiệt, sau khi đánh bại nhà Tống xâm lược, đã cho dựng cột cờ và lá cờ Tổ quốc tung bay giữa đất trời nơi địa đầu nước Việt.
Lần đầu tiên thấy cột cờ Tổ quốc mà lịch sử xây dựng khởi đầu được bằng gỗ thời nhà Lý, bằng bê tông thời Pháp thuộc, rồi được Nhà nước công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục trùng tu và xây mới. Cột cờ Lũng Cú luôn là một công trình, một kỳ tích đặc biệt trong tâm trí người dân nước Việt, kể cả những người chưa một lần tận mắt nhìn thấy. Khi được nhìn ngắm cột cờ, lá cờ, ấn tượng càng khắc sâu vào tâm khảm.
Khắc sâu, không chỉ vì kích cỡ, quy mô hay vị trí của cột cờ, mà còn bởi và chính bởi cảm xúc linh thiêng trước một chứng tích mang tầm vóc sơn hà xã tắc.
Khi ngước nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay lồng lộng giữa đất trời, có lẽ, cũng giống với cố nhà văn Lê Văn Thảo, giống như mỗi thành viên của đoàn đi, tôi đã không ghìm được cảm xúc. Cay cay khóe mắt, cay cay sóng mũi…
Đằng sau những thảm xanh của ruộng lúa, ruộng ngô bậc thang, đằng sau sự tĩnh mịch của núi rừng trùng điệp, của làng bản hiền hòa rải rác, tôi biết và có lẽ anh chị em đoàn đi đều biết, là biên cương Tổ quốc chưa lúc nào bình yên.
Trong lúc đoàn người tham quan lần lượt chờ đến lượt mình được đứng bên cột cờ Tổ quốc và chụp một tấm ảnh để đời, thì dọc theo tuyến biên giới Việt - Trung, quân dân ngày đêm vẫn đang tuần tra, canh gác và đang phải đối mặt với biết bao gian nan.
Cách chỗ tôi đang đứng, dưới kia, không xa lắm, có lẽ vẫn còn trong tầm mắt, con sông Nho Quế lẫn khuất đâu đó và vẫn lặng lẽ chảy giữa đôi bờ Việt - Trung. Cũng như cột cờ Lũng Cú, nơi đoàn cán bộ Thành ủy cùng anh chị em làm báo, làm văn học nghệ thuật của Thành phố đang đứng nghiêm trang hướng về lá quốc kỳ và cùng hát vang từ lồng ngực bài Quốc ca; đã, đang và mãi mãi là “chứng tích” hào hùng cho những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Tôi chợt nghĩ, biết đâu bản hùng văn “Nam quốc sơn hà”, tuyên ngôn chủ quyền lãnh thổ đầu tiên của nước Việt, không chỉ được đọc vang lên bên bờ sông Như Nguyệt mà còn vang lên hùng hồn ở đây, nơi địa đầu của Tổ quốc, làm thành thành lũy ngăn giặc thù.
Khi cùng những thành viên của đoàn nâng lá cờ Tổ quốc (lá cờ 54 mét được chỉ huy đồn biên phòng Lũng Cú trao tặng cho đoàn công tác) trên tay, tôi có cảm giác lá cờ nặng, rất nặng và màu cờ đỏ, rất đỏ.
Bao nhiêu máu và nước mắt đã nhuộm thắm lá cờ?
Câu hỏi ấy đã kéo tôi ngồi xuống bậc thang ngay đường dẫn lên cột cờ và viết vào quyển sổ tay:
Không đếm xiết bao nhiêu gian truân
Cho mỗi cột mốc được cắm vào đất
Không biết bao nhiêu máu và nước mắt
Thấm đẫm hành trình mở mang cõi bờ!
(Biên giới - bài thơ việt vội dưới chân cột cờ Lũng Cú)