SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
2
1
5
1
1
Bản tin quận 24 Tháng Tư 2017 1:55:00 CH

Phố chuyên doanh vàng, bạc, đá trang sức - Nơi đất lành chim đậu

 

Ngày 18/4/2017, Ủy ban nhân dân Quận 5 họp báo công bố việc hình thành phố chuyên doanh Vàng, Bạc & Đá trang sức tại địa bàn Phường 5, kế chợ Hòa Bình, với trục đường chính là Nhiêu Tâm và một phần đường Nghĩa Thục, đường Bùi Hữu Nghĩa. Tại đây hiện tập trung 55 hộ kinh doanh ngành hàng này, sẽ được địa phương hỗ trợ nhiều mặt để « khoác áo mới » hấp dẫn và hiện đại hơn, khẳng định chất lượng và uy tín là nền tảng để phát triển.

 

Trưng bày nữ trang tại một hộ kinh doanh vàng trên tuyến đường Nhiêu Tâm

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 5 cho biết: chúng tôi cùng với bà con kinh doanh tại đây đang nỗ lực làm mọi thứ để ngày 27/4/2017 tới đây phố chuyên doanh đi vào hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự và đặc biệt là thu hút hơn, trở thành một điểm nhấn rõ nét trên thị trường Quận 5.

Quận 5 thật ra đã là nơi chốn quen thuộc của người thợ kim hoàn đất phương nam, nơi có ngôi nhà thờ tổ nghề, số 586, đường Trần Hưng Đạo B, tên gọi là Lệ Châu Hội quán. Hàng năm, người chủ và thợ kim hoàn khắp nơi hội tụ về cúng tổ rôm rả suốt 3 ngày liền vào đầu tháng 2 Âm lịch.

Vì sao nhà thờ tổ nghề kim hoàn lại nằm ở Quận 5? Câu hỏi này là nỗi băn khoăn của rất nhiều người, bởi nước ta từ thời Hùng Vương dựng nước, đã có nghề đúc trống đồng vô cùng tinh xảo, hoa văn và nghệ thuật tạo hình đạt tới trình độ hoàn hảo, sản phẩm nổi trôi chìm đắm hàng ngàn năm sau, có chiếc vẫn gần như còn nguyên vẹn khi được tìm thấy dưới lòng đất mẹ. Từ đây suy ra nghề kim hoàn ở nước ta chắc chắn không hề yếu kém, nhằm làm ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu dân gian và đồ ngự dụng trong các cung điện vua chúa xưa. Đáng tiếc là thư tịch cổ không còn ghi chép gì lưu lại để tham khảo.

Riêng nhà thờ tổ nghề kim hoàn Quận 5 - Lệ Châu Hội quán - thờ hai ông tổ Cao Đình Độ, Cao Đình Hương và ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền cùng ba anh em họ Huỳnh: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.

Tương truyền rằng ông Cao Đình Độ người làng Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, thuở nhỏ làm nghề đồ đồng, sau ra tận thành Thăng Long học và làm nghề ở một tiệm kim hoàn. Khi thạo nghề, năm 1783, ông đưa gia đình vào làng Kế Môn, Phong Điền thuộc phủ Thuận Hóa lập nghiệp, thu nhận đệ tử và truyền nghề cho con trai là Cao Đình Hương. Dần dần, Kế Môn trở thành một làng nghề kim hoàn có tiếng tăm.

Năm 1790, vua Quang Trung nghe tiếng, bèn triệu hai cha con ông Cao Đình Độ và một số thợ giỏi ở Kế Môn vào kinh thành Huế, lập ra cơ vệ Ngân Tượng, lo việc làm ra các đồ dùng vàng bạc trong cung, đồ trang sức cho hoàng gia, các vật nghi biểu trang trí cung điện… Ông Cao Đình Độ chỉ huy làm việc tốt, được phong đến chức Lãnh binh.

Năm 1802, Gia Long lên ngôi vua, phá hủy sạch hết mọi thứ liên quan đến triều đại Tây Sơn và vua Quang Trung, nhưng lại giữ lại cơ vệ Ngân Tượng và toàn bộ nhân sự được lưu dụng như trước. Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, con trai Cao Đình Hương kế tập chức vụ của cha là Lãnh binh, cai quản vệ Ngân Tượng nhưng chỉ ít lâu ông xin từ quan.

Quan Thượng thư Bộ Lại lúc bấy giờ của vua Gia Long là Trần Minh mến tài, mời ông Cao Đình Hương về phủ dinh riêng dạy nghề cho ba người con: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền cùng ba người cháu họ Huỳnh kể trên. Theo ý nguyện của thầy, cả ba anh em họ Trần và họ Huỳnh sau đó dốc lòng đi xa mở lò kim hoàn để truyền nghề, mở mang nghề nghiệp. Ba anh em họ Huỳnh định cư ở Phan Thiết - Ba anh em họ Trần ban đầu ra Bắc, mở lò ở làng Định Công, Hà Nội, sau lại vào Nam, mở lò ở Chợ Lớn, đào tạo được 36 « đệ tử » rồi lại xuống miền Tây, sau nghe nói sang tận Campuchia, Thái Lan, Lào… dần dần không còn tung tích nữa.

Chuyện xưa kể ra dài dòng, nhưng để nhìn lại, học lấy cái hay của người xưa. Say mê nghề kim hoàn, ông Cao Đình Độ là một điển hình « nhất nghệ tinh, nhất thân vinh », bước vào chốn quan trường nhờ giỏi nghề, chỉ huy một cơ vệ ngay trong triều đình và là trường hợp có một không hai được giữ nguyên chức tước lẫn lực lượng dưới quyền dưới triều Tây Sơn, sau khi Gia Long tức vị, lên ngôi vua. Người con Cao Đình Hương còn độc đáo hơn, yêu nghề hơn cả bản thân mình nên chỉ kế tập chức quan của cha chiếu lệ rồi từ quan, về dạy nghề cho đến chết. Cái hay của ông này là trong mười năm dạy học trò, cả 6 người đều rập khuôn niềm say mê nghề của thầy, bỏ luôn quê hương xứ sở, đi mở lò kim hoàn để được làm nghề và dạy nghề. Phải thấy ba đệ tử họ Trần bấy giờ tuy cha là Trần Minh, giữ chức Thượng thư Bộ Lại, là Bộ quan trọng nhất trong hệ thống lục Bộ của triều đình, chuyên lo việc tâu trình và đề xuất thăng, giáng, thuyên chuyển tất cả quan lại trong nước, trong giai đoạn Gia Long xây dựng bộ máy thống trị của triều đại mới. Nhưng ba ông con quan họ Trần tự nguyện từ bỏ đường hoạn lộ thênh thang, vất vả ra Bắc vào Nam làm nghề, dạy nghề.

Ông bà xưa có nói « đất lành, chim đậu », ba ông họ Trần chọn đất Quận 5 - Chợ Lớn xưa làm nơi mở lò, thu học trò. Từ 36 học trò thời ấy, giờ đây sau gần 200 năm, ai đếm được số đồ tử, đồ tôn của ba ông, qua hàng chục thế hệ … ? Công lao khuyếch trương nghề kim hoàn trên đất phương Nam của ba ông họ Trần là to lớn, nên có giả thuyết cho rằng cái tên Lệ Châu Hội quán - nhà thờ tổ nghề kim hoàn, được đặt ra để tưởng nhớ ba ông, với nghĩa Lệ Châu là nước mắt, của các thế hệ học trò nhớ thương ông thầy.

Quận 5, ngày nay xây dựng phố chuyên doanh vàng, bạc, đá trang sức có thể xem là một cách tôn vinh nghề kim hoàn ở vùng đất các ông tổ nghề dựng nghiệp, đồng thời là niềm vui và tự hào của cộng đồng doanh nghiệp ngành kim hoàn khu vực đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục và Bùi Hữu Nghĩa.

Ông Phạm Văn Tám, chủ doanh nghiệp tư nhân Kim Hảo, đường Nhiêu Tâm bùi ngùi nhớ lại :

- Hàng chục năm trước đây, việc định hình khu vực này trở thành phố chuyên doanh đã được đặt ra, rồi cũng bàn bạc nhiều ở cả hai cấp quận, phường… nhưng không hiểu vì sao dần dần « bị quên » luôn ! Bây giờ mọi việc chuẩn bị xem như hoàn tất, tôi và bà con làm ăn ở đây rất vui và háo hức. Chúng tôi mong muốn tên tuổi và sản phẩm của từng người trong khu phố chuyên doanh này được khẳng định bởi uy tín và chất lượng, và vươn xa hơn nữa…

 

Vợ chồng ông Tám cùng nhân viên cửa hàng kiểm tra chất lượng sản phẩm

Ông Tám hiện là Ủy viên Trung ương Hiệp hội Kim hoàn & Đá quý Việt Nam, cũng là Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn & Đá quý thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra, ông còn là Phó Ban Trị sự Lệ Châu Hội quán.

Vợ chồng ông Tám là một trong số những hộ hành nghề kim hoàn lâu năm nhất ở khu vực chợ Hòa Bình, đường Nhiêu Tâm - hơn 50 năm. Với ông, đây là vùng đất lành, nên ông « đậu » luôn cuộc đời ở đây.


Số lượt người xem: 1206    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm