SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
1
2
3
8
0
9
9
Tin tức sự kiện 27 Tháng Mười Một 2017 8:15:00 SA

Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Chính phẩm chất cao đẹp đó, Người đã xây dựng cho mình phong cách làm việc mà Đảng ta đã trân trọng gọi là phong cách Hồ Chí Minh.

Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho các thế hệ đời sau học tập và làm theo.

Phong cách Hồ Chí Minh có thể khái quát và thể hiện ở những đặc trưng chủ yếu sau đây:

1- Phong cách tư duy biện chứng duy vật: Phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách biện chứng duy vật, xuất phát từ thực tiễn để trở lại biến đổi thực tiễn với những đặc trưng như phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, phong cách tư duy hài hòa, gắn lý luận với thực tiễn, có lý có tình trong mọi trường hợp.

2- Phong cách quần chúng: Phong cách này bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bác có lòng tin vô tận đổi với quần chúng. Bác luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, và coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bác nói: "Nước lấy dân làm gốc", "gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Theo Bác, bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì ta phải bỏ hoặc sửa lại. Với lòng nhân ái bao la đối vởi quần chúng, Bác Hồ thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự của người cán bộ quần chúng, với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở. Bác thường nhấn mạnh: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Nếu chỉ cậy quyền lực, chỉ làm cho dân sợ, dân xa lánh chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người dân.

Năm 1961, Người về thăm lại Pắc Bó, Cao Bằng, đồng bào tổ chức đón tiếp. Bác nói: Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi. Bác gặp gỡ bà con nông dân ngay trên đồng ruộng giữa trưa hè. Bác xắn quần, bỏ dép, lội nước nơi bà con đang cấy và tát nước như một nông dân quen việc đồng áng. Phong cách quần chúng đó của Bác làm cho lãnh tụ và quần chúng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm thật sâu sắc.

3- Phong cách làm việc khoa học: Theo Người, cách mạng là một khoa học, thực hành công việc là một khoa học. Sát thực tế, nắm bắt đúng thời cơ để có chủ trương đúng và biến chủ trương ấy thành hiện thực. Bác Hồ dạy: "Gặp mỗi vấn đề phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy". Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, trước hết phải "điều tra nghiên cứu rõ ràng". Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm "khuôn phép" cho những công việc khác, coi đó là "chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới".

Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Bác dạy phải biết lựa chọn cán bộ và sử dụng cán bộ. Quá trình người cán bộ thực hiện nhiệm vụ thì phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên một cách có hệ thống. Có như vậy mới đánh giá được hoạt động của cán bộ, đảng viên và còn đánh giá được những chủ trương, chính sách đề ra có đúng hay không ?

Theo Bác, làm việc có khoa học đòi hỏi phải cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Làm việc có khoa học thì không nên tham lam làm nhiều trong một lúc, làm đến đâu chắc đến đó, làm bất cứ công việc gì cũng tránh bệnh chủ quan dẫn tới kết quả công việc thường hạn chế, thậm chí thất bại.

4- Phong cách làm việc thiết thực, cụ thể: Bác Hồ nghiêm khắc lên án bệnh "hữu danh vô thực", bệnh hình thức, khi ra chỉ thị, nghị quyết thì không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng và cơ sở. Trong chỉ đạo thực hiện thì không có kế hoạch, biện pháp cụ thể, không kiểm tra, kiểm soát, không tổng kết đúc rút kinh nghiệm.

Bác chỉ rõ: Khi ra quyết định công tác, hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều, "để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch".

5- Phong cách nêu gương: Theo Người, "nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Bác Hồ đã nêu thành một nội dung của tư cách người cách mạng. Nói đi đôi với làm đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông, hoặc "nói một đàng làm một nẻo" của những kẻ cơ hội.

Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên "nói một đàng làm một nẻo" thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe.Và thực chất, họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo.

Bác Hồ, ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đao đức mà còn rèn luyện về phong cách làm việc.

Phong cách của Người đã làm nên một Hồ Chí Minh như nhận xét của cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng: “Cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thiết từ lâu”.

Trong tác phẩm "Đường kách mệnh" (1927) và "Sửa đổi lối làm việc" (10-1947), Bác Hồ đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó phong cách làm việc là một nhân tố quan trọng cấu thành phẩm chất và năng lực cán bộ. Và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã nêu tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc.

Phong cách Hồ Chí Minh và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TƯ 4, khóa XII có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ với nhau. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị cũng có nghĩa là thực hiện cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thiết thực.


Số lượt người xem: 969    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm