SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
1
7
0
2
3
Bản tin quận 13 Tháng Tư 2020 8:10:00 SA

Nước ngọt cho miền Tây?

 

KHI MIỀN TÂY KHÁT…

Nước mặn từ biển năm nay xâm nhập sâu vào hệ thống sông ngòi các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ, từ Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Cà Mau, Kiên Giang đều chịu cảnh hạn mặn. Tôm, cá chết do độ mặn tăng cao. Cây trái chết hoặc èo uột do thiếu nguồn nước ngọt. Người cũng phải đi mua nước để nấu ăn, sinh hoạt. Miền Tây sông nước ngọt ngào thuở nào giờ đây trực tiếp hứng chịu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, khi nước biển dần dâng cao theo dự báo.

Thật ra, không chỉ là do biến đổi khí hậu. Khai thác nước ngầm và khai thác cát bừa bãi cũng là một nguyên nhân khác, do chính chúng ta góp phần.

Còn một nguyên nhân chủ yếu, quan trọng nhất làm đồng bằng thiếu nước là vì các nước thượng nguồn dòng sông Mêkông đắp đập làm thủy điện. Nước bị giữ lại, nhiều đoạn sông cạn trơ đáy, nên nước chảy về địa phận nước ta chẳng còn mấy nữa. “Cửu Long giang sóng trào nước xoáy” trong bài hát “Tiểu đoàn 307” năm xưa bây giờ nước chảy lưa thưa, nhìn đau lòng đến ứa nước mắt. Ngay giữa mùa mưa, nước sông cũng xanh trong, không còn ngầu đỏ, đùng đục màu phù sa vì đã lắng đọng ở trong các lòng hồ thượng nguồn. Thiếu phù sa bồi đắp hàng năm, mũi Cà Mau năm xưa cứ dài thêm, nay xói lở, mất đất mỗi năm một nhiều.

Miền Tây mến yêu với con người hiền hòa bộc trực. Miền cơn trắng cá tươi. Miền cây trái ngọt lành, mùa nào thức ấy luôn trĩu quả trên cành, nay đành chịu trận khát nước.

Với Chợ Lớn, miền Tây có vai trò cực kỳ quan trọng, không gì có thể thay thế được. Lịch sử đô thị Chợ Lớn gắn liền với tiến trình đi khai phá miền Tây. Sản vật phong phú của miền Tây luôn tìm đường về Chợ Lớn, rồi từ đây mới tỏa đi mọi hướng, mọi miền đất nước, vượt trùng khơi đi đến những phương trời xa. Hệ thống kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Chợ Đệm nối thông Chợ Lớn với sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông chính là dòng chảy chuyên chở hàng hóa xưa, từ miền Tây về Chợ Lớn và ngược lại, qua ngã kênh Chợ Gạo ra sông Tiền.

“Miền quá khứ” ấy, giờ đây vẫn còn sót lại ở một đoạn đường đại lộ Đông – Tây, từ chân cầu Chà Và đến hết địa phận Phường 13, Quận 5. Cũng có kho hàng, có chành vựa đi các tỉnh miền Tây hoạt động ngày đêm nhưng quy mô nhỏ, do đô thị hóa, chỉ tồn tại như là một bằng chứng sống động của một thời Chợ Lớn – miền Tây gắn kết.

…GIẢI PHÁP NÀO THIẾT THỰC SẺ CHIA?

Theo nhiều dự báo khoa học, miền Tây sẽ bị nước biển dâng xâm thực dần. Đây là một nguy cơ có thật, và chắc chắn chính phủ cũng đang nghiên cứu chiến lược tổng thể để ứng phó. Lý do đơn giản: miền Tây chính là hủ gạo của đất nước. Đồng thời, vượt ra khỏi những tính toán nhỏ lẻ thông thường, điều cốt tử là phải giữ cho được đất miền Tây, vì đây chính là bờ cõi, là cương thổ, là một phần máu thịt của đất nước và dân tộc. Tuy nhiên, một bài toán khó và phức tạp, liên quan tới hơn 20 triệu dân không phải trong phút chốc là có lời đáp.

Cận kề thành phố là Long An. Ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè giáp ranh ba huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An. Ngược dòng thời gian trở về thời thuộc Pháp, cả ba huyện này của Long An đều là của tỉnh Chợ Lớn, với quan đầu tỉnh gọi là Tỉnh trưởng, lỵ sở đặt tại Quận 5, trong khuôn viên trường Đại học Y dược ngày nay, gọi là Dinh Xã Tây. Đây là chưa kể chạy dài ra phía biển còn huyện Cần Giờ  giáp cả hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước, chỉ vượt sông Lòng Tàu là tới.

Mối tương quan lâu đời về lịch sử, địa lý chính là chỉ dẫn đầu tiên để nghiền ngẫm về tinh thần tương trợ trong nghĩa đồng bào, lúc hoạn nạn có nhau. Người xưa có câu “Nhất cận thân, nhị cận lân”. Người dân Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công đang gồng mình sống trong cảnh hạn mặn, nước ngọt mua từng can 20 lít, phải xếp hàng chờ chực, thức khuya dậy sớm canh xe chở nước về mua, dùng cho ăn uống. Phần tắm giặt tất nhiên xài nước mặn – có còn hơn không!

Trong khi đó, thành phố luôn sẵn có một lực lượng xe chở nước tưới cây xanh, công viên, thảm cỏ… Nên chăng, lúc ngặt nghèo này Quận 5 cấp bách tổ chức những chuyến xe nước miễn phí đến miền hạ - cái tên gọi dân gian chỉ vùng Cần Giuộc –Cần Đước – Gò Công – góp phần giúp đồng bao bớt khổ? Những chuyến xe đầu tiên nếu được truyền thông tốt, sẽ như những tiếng chuông gióng gọi lương tâm của nhiều người dân lẫn doanh nghiệp, doanh nhân, và nối tiếp theo đó sẽ có không ít cá nhân, đơn vị đăng ký xin tham gia.

Ngoài ra, về lâu dài, hàng năm tình trạng hạn mặn chắc là sẽ tái diễn, theo xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, rất cần kêu gọi các doanh nghiệp – đặc biệt là ngành nước – lẫn đội ngũ trí thức đông đảo sẵn có ở các trường đại học trên địa bàn tham gia nghiên cứu chế tạo một hệ thống lọc nước bằng pin năng lượng gió hoặc mặt trời có quy mô gia đình, mục đích lọc từ nước lợ thành nước ngọt, dễ sử dụng và bảo dưỡng, giá hành rẻ, vận chuyển nhẹ nhàng, lắp đặt đơn giản.

Máy lọc nước lợ thành nước ngọt chính là nhu cầu thiết thân của hàng chục triệu dân đồng bằng sông Cửu Long, trong viễn cảnh phải sống chung với hạn – mặn và nước biển dâng vì biến đổi khí hậu.

Nhu cầu khổng lồ này đồng thời là cơ hội của những doanh nghiệp – doanh nhân biết nắm bắt thời cơ, nhanh nhẩu tham gia ngay từ buổi ban sơ gầy dựng, tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc trong thị trường sản phẩm máy lọc nước ngọt tương lai.

Bài toán giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho cả miền Tây là hết sức phức tạp, nhưng nếu khoanh vùng, gói gọn trong nhu cầu nước sinh hoạt của từng hộ gia đình, hoàn toàn có cơ sở để tin vào trình độ khoa học – công nghệ hiện nay giải quyết được trong tầm tay.

Một lần nữa, giữa mùa hạn – mặn khốc liệt, lại bật lên câu hỏi: nên chăng, vì miền Tây, lúc này?


Số lượt người xem: 768    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm