SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
3
2
9
1
Tin tức sự kiện 13 Tháng Ba 2014 4:10:00 CH

Văn hóa giao thông: xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông

 

Một buổi sáng chở con đi học, tôi dừng xe khi đèn đỏ tại ngã tư Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi và vô tình dừng sát lề phải. Thế rồi một chị, chắc cũng chở con đi học, dừng ngay sau tôi và bắt đầu nhấn còi. Có lẽ chị ấy đang vội, hay chỉ vì nghĩ mình có quyền rẽ phải khi đèn đỏ mà sau khi nhấn còi chán thì chị ấy bắt đầu to tiếng rồi chuyển sang chửi thề. Tuy nhiên chị không nghĩ rằng cho dù tôi nhích sang để nhường đường cho chị ấy (nếu có thể) thì chị cũng chẳng thể nào rẽ được khi trước xe tôi còn 2, 3 hàng xe nữa dừng đèn đỏ và không còn chỗ trống nào để có thể nhường cho chị ấy qua. Có thể thấy rất nhiều người dừng đèn đỏ khi ấy nhăn mặt vì thái độ của chị ấy. Và rồi cả buổi sáng hôm ấy, tôi cứ nghĩ mãi về thái độ của chúng ta khi tham gia giao thông.

 

Có thể tôi (và một số người khác) đã vô tình dừng đèn đỏ không đúng chỗ và làm chị ấy không rẽ phải được nên chị ấy mới có thái độ đó. Nhưng không có quy định nào bắt buộc chúng ta khi dừng đèn đỏ phải chừa đường cho người rẽ phải (hay rẽ trái như có một số ngã tư cho phép). Thế nên điều này tùy thuộc vào thái độ của người điều khiển xe. Ừ thì khi ta dừng xe chờ đèn xanh sáng lên chúng ta có thể chừa một lối đi đủ cho xe đằng sau đi tới có nhu cầu rẽ phải. Nhưng rồi trong một số trường hợp, một số xe thấy chỗ trống lại nhích lên, để gần ngã tư hơn một chút, để khi đèn xanh chạy sớm hơn một chút. Một chút ấy chỉ là vài mét, là vài giây nhanh hơn mà sao nhiều người nhích lên cho được và vô tình gây bực bội cho ai đấy có nhu cầu rẽ. Thế nhưng tôi cũng lại nghĩ người có nhu cầu rẽ ấy hoàn toàn có thể chờ vài giây hay vài chục giây. Khoảng thời gian ít ỏi ấy chẳng là bao so với sự an toàn của họ. Sự cáu giận dẫn đến những lời nói không hay dành cho người xung quanh biết đâu có thể dẫn đến hậu quả không hay.

 

 Và tôi nhận ra rằng tất cả đó là do thói quen, hay nói một cách văn hóa hơn là VĂN HÓA GIAO THÔNG. Đó là cụm từ chúng ta hay nghe trong những năm gần đây, trong tuyên truyền về an toàn giao thông nhưng văn hóa giao thông của chúng ta hiện nay là gì và đang như thế nào? Có lẽ câu trả lời đáng buồn nhưng ai cũng biết. Nói một cách chung nhất, văn hóa giao thông nó bao gồm 02 yếu tố: Tính pháp lý và tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Trong hai yếu tố này có rất nhiều biểu hiện của nó: đó có thể là ý thức chấp hành luật an toàn giao thông, là ý thức gương mẫu khi tham gia giao thông, ý thức bảo đảm an toàn tài sản, an toàn giao thông công cộng; hay đó đơn giản chỉ là việc xử sự, mối quan hệ giữa con nguời với con nguời khi tham gia giao thông, là việc cứu giúp người khác bị rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông…. Ngoài ra còn vô vàn những biểu hiện khác thể hiện về văn hóa giao thông. Nhưng thực tế thì dường như mỗi giây tiết kiệm được làm cho ai đó hãnh diện về “tài lái xe” của mình; chuyện cho xe chạy lên lề để vượt lên đã là chuyện tự nhiên. Nghĩa là chỉ nghĩ tới làm sao đi qua nhanh là được, là xong. Nhiều người còn lấy làm hãnh diện vì sự “nhanh nhẹn” hay “tháo vát” ấy của mình mà không nghĩ rằng đó là sự coi thường luật pháp…

 

 Đã bao lần bạn thấy xe cấp cứu bị kẹt trên đường vì không ai tránh ra, không nhường đường? Và nếu chúng ta tự nghĩ một ngày nào đó, chẳng may ta ở bên trong cái xe cứu thương đó thì sao. Liệu ta có tới nơi cần phải tới kịp thời hay không? Vì thế tôn trọng luật pháp và tôn trọng cả văn hóa giao thông có lợi không những cho cộng đồng mà còn cho chính bản thân chúng ta nữa.


Số lượt người xem: 2500    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm