SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
9
9
5
0
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười 2016 8:10:00 SA

Đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc và sử dụng cán bộ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Từ những ngày đầu hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới công tác cán bộ nữ.

Trước lúc đi xa, Người căn dặn: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ." (1) Tư tưởng của Người chứa đựng cả một định hướng chiến lược lâu dài về công tác cán bộ nữ.

 

Về đề bạt cán bộ nữ, Người luôn luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải quan tâm thực hiện triệt để cuộc "Cách mạng giải phóng phụ nữ". Muốn thực sự đưa phụ nữ bình quyền với nam giới thì phải mạnh dạn cất nhắc, đưa phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo chính quyền các cấp. Người khẳng định: "Cất nhắc phụ nữ vào cương vị lãnh đạo là nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành thích hợp với phụ nữ". (2) Phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở, nhiều người công tác rất giỏi". (3) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán một số địa phương, cơ quan và cá nhân mang nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Người nói: "Các đồng chí phải thực sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi với phụ nữ" (4); "Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ...Như vậy là rất sai". (5) Người đã coi công tác đào tạo, bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cách mạng giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đánh giá đúng vị trí, vai trò, khả năng và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu  mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".(6)

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nữ đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt nghiêm túc, thể hiện qua đường lối của Trung ương Đảng và Chính phủ trong công tác phụ vận, được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành, đoàn thể, đã và đang biến thành hiện thực sinh động trong mọi bình diện đời sống xã hội.

Vấn đề cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng, bao giờ cũng đi liền với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và biến động theo sự chuyển đổi của tình hình. Từ phong trào "ba đảm đang chống Mỹ, cứu nước" đã có một đội ngũ cán bộ nữ đông đảo làm trụ cột xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc. Lúc đó, Đảng ta có nghị quyết riêng về công tác cán bộ nữ. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, do chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, cùng với việc nhiều đồng chí rời quân ngũ, trở lại vị trí công tác xưa, đội ngũ cán bộ nữ rơi rụng rất nhanh. Ban Bí thư Trung ương Đảng lại có chỉ thị về một số vấn đề cấp bách trong công tác này. Nhờ vậy, số cán bộ nữ có tăng lên đáng kể. Từ sau Đại hội VI của Đảng, địa vị phụ nữ được nâng lên, nhiều chị đã có những tiến bộ đáng khích lệ; không ít chị tự vượt lên khó khăn nhiều mặt trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu khoa học tài năng, người lao động giỏi...

Tuy nhiên, ở một số cấp, một số ngành và địa phương, cứ sau một lần có chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lại rộ lên việc cất nhắc, đề bạt cán bộ nữ. Chỉ sau vài tháng triển khai, các cấp, các ngành, các địa phương đã có thể báo cáo thành tích và chứng tỏ được rằng mình không có tư tưởng phong kiến, không coi thường phụ nữ. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, do không có cơ sở vững chắc, số lượng cán bộ nữ tự nó giảm dần.

Một số cán bộ nữ, không đơn giản là việc xếp họ vào chức danh, vị trí, một cái "ghế" nào đó là xong. Cán bộ nữ cũng là cán bộ của Đảng và Nhà nước, cũng cần bảo đảm mọi tiêu chuẩn của một chức danh cán bộ, tuyệt đối không phải là một thứ "cây quỳnh, lá cảnh" để trang trí cho một kiểu dân chủ "giả vờ". Trong thực tế, chúng ta có không ít thí dụ để nói rõ điều này. Do việc đề bạt cán bộ nữ theo kiểu "phong trào" như trên, có không ít người không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ, làm hình thành trong xã hội một mặc cảm về sự kém cỏi của phụ nữ nói chung, quên nốt cả những cán bộ nữ thật sự giỏi giang xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều ngành, trên nhiều lĩnh vực, tạo nên sự đánh giá thiếu công bằng. Và trước đòi hỏi gắt gao của nhiệm vụ, do không được đào tạo, không được chuẩn bị mọi mặt, không được dành những điều kiện thuận lợi, do hoàn cảnh đặc thù, người cán bộ nữ bị "đuối" và rơi rụng là tất yếu. Sự rơi rụng ấy cũng có nguyên nhân từ đời sống khó khăn. Sinh kế chật vật buộc người cán bộ nữ phải đặt mình trước sự lựa chọn, hoặc làm cán bộ, hoặc dành thời gian lo cuộc sống gia đình. Không ít phụ nữ chối từ làm cán bộ, tư tưởng an phận trổi dậy mạnh mẽ trong họ. Nếu cứ để tình hình tự nó phát triển, chẳng bao lâu số lượng cán bộ nữ sẽ giảm dần. Trong thực tế, đang diễn ra một dạng bất bình đẳng mới đẻ ra từ việc thực hiện bình đẳng một cách nửa vời.

Vừa bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ, vừa thực hiện chính sách đối với phụ nữ, đó chính là điều cốt lõi của công tác cán bộ nữ, cũng thể hiện sự công bằng trong công tác cán bộ nữ nói chung. Bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ tức là xem xét nghiêm túc mọi điều kiện so với yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn người lãnh đạo như bất cứ cán bộ nào, không thể chấp nhận sự chiếu cố, châm chước, ưu tiên ở chỗ này. Nhưng do có những khó khăn riêng biệt, phụ nữ cần được chú ý hơn trong đào tạo, bồi dưỡng cả khi còn trong quy hoạch lẫn lúc đã trở thành cán bộ, tạo thuận lợi cho các chị có thể trau dồi nghề nghiệp tương ứng với yêu cầu của vị trí công tác. Chỉ trên cơ sở đó, mới đánh giá công bằng hiệu quả công tác giữa các loại cán bộ, mới trút hết cho xã hội cái gánh nặng của sự sắp xếp cán bộ một cách tùy tiện, cảm tính.

                     

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXBCTQG - H - 1996 - T 12 - tr 504.

(2) Tài liệu lưu trử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh- Hà Nội.

(3) Hồ Chí Minh: Về vấn đề kỷ luật và đạo đức cách mạng - NXB ST - H - 1969 - tr 75.

(4)(5) Hồ Chí Minh: Về xây dựng Đảng-NXBST-H-1980-tr 210-211.

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXBCTQG-H-1996-T 6-tr 432.


Số lượt người xem: 1201    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm